Dân Việt

Sáng chế máy vớt, máy ép lục bình, cả làng ở Long An phục tài ông nông dân, doanh nghiệp đặt mua ngay

Hoài Đăng 02/03/2023 10:57 GMT+7
Trăn trở trước vấn nạn lục bình phát triển trên kênh, rạch, anh Ngô Nguyên Hồng, làm nghề cơ khí, ngụ xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã chế tạo máy vớt, ép lục bình và bước đầu thử nghiệm mang lại hiệu quả...

Hiện máy vớt, máy ép lục bình của anh đã được một số doanh nghiệp đặt mua; đồng thời, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An hỗ trợ để đăng ký bản quyền.

Sáng chế máy vớt, máy ép lục bình, cả làng ở Long An phục tài ông nông dân, doanh nghiệp đặt mua ngay - Ảnh 1.

Anh Hồng, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bên xưởng sửa chữa máy móc nông nghiệp của gia đình. Xưởng là nơi anh Hồng nghiên cứu, thiết kế, sáng chế máy vớt, máy ép lục bình.

Anh Hồng chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã tập sửa chữa máy móc nông nghiệp với cha. Tôi rất đam mê sáng tạo, tự nghiên cứu chế tạo ra nhiều máy móc phục vụ nông dân”. Cũng theo anh Hồng, trước đây, tỉnh có Dự án Nghiên cứu, chế tạo một số máy móc trục vớt lục bình và xay nhuyễn để làm phân hữu cơ nhưng khi áp dụng vào thực tế thì gặp không ít khó khăn.

“Tôi thấy trên sông, rạch không chỉ có lục bình mà còn có cả cỏ, thân cây khô, lá dừa (bập dừa), rác thải sinh hoạt (chai nhựa, bịch nylon) và xác động vật,... Vì vậy, việc băm nát lục bình để tải lên băng chuyền là không khả thi nên tôi dùng máy ép làm mềm các rác thải cứng, sau đó ép thành cuộn và theo băng chuyền thải lên bờ hoặc lên tàu vận chuyển đi tiêu thụ. Hiện sản phẩm máy vớt, ép lục bình của tôi được một doanh nghiệp ở tỉnh Tây Ninh đặt hàng” - anh Hồng cho biết.

Theo anh Hồng, một chiếc phà vớt, ép lục bình cần 1 người điều khiển, 1 người lái phà và 1 người giúp việc. Với khoảng 8 giờ làm việc, 1 chiếc phà vớt, ép lục bình sẽ thu hoạch khoảng 800 cuộn lục bình ép cứng (tương tự cuộn rơm), đạt khoảng 8-10 tấn/ngày. Cuộn lục bình được ép không chỉ dễ vận chuyển, sử dụng mà còn nhẹ do đã ép nước ra và có thể cho gia súc ăn, dùng để ủ phân hữu cơ hoặc đắp gốc cây ăn trái,...

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)-ông Lê Hoàng Khanh thông tin: Sản phẩm máy vớt, ép lục bình của anh Hồng mang lại hiệu quả thiết thực vì nhiều đoạn kênh, rạch trên địa bàn, lục bình mọc dày đặc. Mặt khác, với giá phân bón tăng cao như hiện nay thì phân bón hữu cơ từ lục bình cũng giúp ích nông dân trong việc sản xuất”.

Sáng chế máy vớt, máy ép lục bình, cả làng ở Long An phục tài ông nông dân, doanh nghiệp đặt mua ngay - Ảnh 3.

Những chiếc phà được đóng để chở máy vớt, máy ép lục bình - sản phẩm đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ 6 của anh Hồng.

Được biết, hiện 1 máy vớt, ép lục bình của anh Hồng có giá khoảng 3 tỷ đồng, giúp khơi thông đường thủy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Hiện anh Hồng nghiên cứu và chế tạo thành công máy vớt lục bình lên bờ (giá máy là 500 triệu đồng, bao gồm cả phà chở và cần vớt) và máy chém nhừ, băm nhuyễn lục bình (giá máy là 500 triệu đồng) phù hợp với túi tiền của doanh nghiệp vừa và nhỏ và những nông dân làm trang trại.

Anh Hồng tham gia sáng chế máy móc nông nghiệp năm 2016 và năm 2018, đoạt giải Nhì với sản phẩm máy cuộn rơm. 

Sản phẩm máy vớt, máy ép lục bình của anh đăng ký tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ 6 và đoạt giải Nhất. 

Theo anh Hồng, khó khăn nhất trong việc đưa máy nông nghiệp ra thị trường hiện nay là thời hạn chờ được cấp bản quyền sáng chế khá lâu, trong khi doanh nghiệp mong muốn sớm sản xuất để bán ra thị trường cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho xã hội và phòng ngừa tình trạng hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại cho nhà sáng chế.