Clip: Công đoạn nhuộm chàm được tái hiện lại trong chương trình nghệ thuật "Sa Pa lặng lẽ yêu".
Năm tháng qua đi, giữa những đổi thay của cuộc sống và công cuộc hội nhập nhưng việc trồng chàm vẫn được đồng bào Mông tại Sa Pa lưu giữ và trở thành niềm tự hào về loài cây đã tạo nên màu sắc của trang phục truyền thống dân tộc Mông nơi xứ sở mờ sương.
Vào cuối mùa hè, cũng là thời gian bà con lên nương hay cắt những lá chàm quanh vườn nhà về nhuộm vải. Cây chàm được đồng bào Mông lấy giống từ rừng sâu về gieo trồng trong nương gần nhà, có những năm cây không thu hoạch tốt, bà con lại phải lên rừng tìm kiếm cây giống mới.
Chị Cứ Thị Quả, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, chia sẻ: "Cây chàm này người Mông chúng tôi đã trồng từ rất lâu rồi, hầu như nhà nào cũng có. Đây là một trong những nét văn hóa đặc trưng riêng của đồng bào Mông Đen Sa Pa được gìn giữ qua các thế hệ".
Theo chị Quả, sau khi thu hoạch lá chàm về, lá sẽ được đem rửa sạch, ngâm trong nước 3 ngày 3 đêm cho đến 1 tuần đến khi mục tạo thành 1 thứ nước sóng sánh màu xanh đen. Sau đó, bỏ vôi bột vào khuấy kỹ. Chờ đến khi bột chàm và vôi lắng xuống đáy thùng gạn hết nước đi, phần bột sánh dưới đáy được giữ lại, đó chính là cao chàm.
Để ra được màu chàm đậm, không dễ bạc màu, miếng vải sẽ được nhuộm nhiều lần. Chu trình nhuộm này có thể kéo dài đến hàng tháng trời. Thường thì người Mông sẽ nhuộm chàm vào những ngày nhiều nắng.
Chị Giàng Thị Mây, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa cho hay: Đối với cây chàm, vào tháng 5 hằng năm sẽ bắt đầu trồng và sau một năm sẽ thu hoạch lá để ngâm thành nước chàm và sau đó lấy vải lanh nhuộm thành màu xanh. Đặc biệt, việc nhuộm vải bằng chàm cũng giúp người mặc ngăn côn trùng, chống đỉa, vắt khi lên nương rẫy.
Những người giữ lửa nghề nhuộm chàm thường là những người phụ nữ cao tuổi trong gia đình. Người Mông truyền lại cho con cháu mình, tiếp nối thế hệ cho sắc chàm thắm mãi với thời gian. Đôi bàn tay "nhúng chàm" không chỉ là nghệ thuật mà đó còn là 1 nét đẹp nhân sinh cao quý.
Người bà, người mẹ nhuộm vải để con cái có áo đẹp mặc, nhà nào có con gái lại cần nhuộm nhiều hơn. Sắc chàm nền nã, bền bỉ là minh chứng cho sự thủy chung, gắn bó bền chặt của gia đình và của cộng đồng người Mông.
Sau cùng để có được một miếng vải may quần áo bóng, đẹp thì bà con người Mông sẽ nhuộm thêm một lần nữa với sáp ong. Sáp ong lấy từ rừng, ngâm trong nước chàm, đến khi màu nước chuyển đen thì đem nhuộm. Họ dùng sáp ong bôi lên bề mặt vải, lăn đá đến khi vải cứng. Đây được gọi là kỹ thuật "nhuộm chàm khô", giúp miếng vải đẹp hơn, bền, bóng hơn, giữ được dáng tốt hơn nhiều.
Ngày nay, nghề nhuộm chàm đã được đông đảo khách du lịch biết đến và được trải nghiệm mỗi khi đến các bản làng người Mông của thị xã Sa Pa. Các sản phẩm từ nhuộm chàm đã phong phú hơn rất nhiều không chỉ quần áo mà trên rất nhiều sản phẩm khác như: Gối, túi xách, tranh treo tường... trở thành món quà độc đáo, mang đặc trưng của người Mông, của núi rừng Tây Bắc đến với du khách trong nước và Quốc tế.
Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX Mường Hoa là đơn vị cung cấp các sản phẩm nhuộm chàm và tổ chức trải nghiệm nhuộm chàm thu hút được đông đảo du khách Quốc tế tham gia trải nghiệm, chị Lan cho biết: Để khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống tôi đã đứng ra vận động người dân thành lập HTX.
Hiện nay, HTX chúng tôi có 7 thành viên chính thức, 13 xã viên liên kết, chủ yếu sản xuất các đồ thủ công truyền thống, như thổ cẩm, trà thảo mộc... bán cho du khách. Từ đó, đã từng bước khẳng định được vị thế, thương hiệu sản phẩm trên thị trường, giúp những người phụ nữ Mông sống với nghề truyền thống trên mảnh đất quê hương mình.
Câu chuyện về nghề nhuộm chàm như đã gắn bó qua bao thế kỷ với bà con Mông Đen tại Sa Pa, nó chứa đựng tinh túy của đất trời, tinh hoa của dân tộc, của quê hương xứ sở, và cũng là biểu tượng đẹp của người Mông.
Từ đó, màu chàm thân thương đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân tộc Mông bên trang phục truyền thống độc đáo tô điểm cho bức tranh 54 dân tộc Việt Nam thêm lung linh sắc màu.