Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Khó nhất, trăn trở nhất là giải ngân vốn chậm

Tố Tố Thứ tư, ngày 07/06/2023 09:00 AM (GMT+7)
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, một trong những vấn đề rất nhiều đại biểu quan tâm, đó là sự chậm trễ trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Vì sao chậm, vốn được giải ngân như thế nào?
Bình luận 0

Khi thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đề cập đến những khó khăn, vướng mắc sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình giải ngân vốn còn chậm và rất nhiều vướng mắc về cơ chế quản lý. Thế thì vướng mắc ở đâu? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục là gì?.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Khó nhất, trăn trở nhất là giải ngân vốn chậm - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Văn Hải một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 giải ngân chậm?. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Vấn đề mà đại biểu hỏi chúng tôi cũng hiểu là trăn trở của tất cả các cấp, các ngành và các đại biểu. Vì chương trình này rất rộng lớn, nằm ở địa bàn rất là khó khăn, phức tạp và các dự án, các chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực, có những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Trăn trở nhất của chúng tôi bây giờ là hệ thống pháp luật của chúng ta, cơ bản hệ thống văn bản đã hoàn thành, chúng tôi không lo lắm, chỉ lo nhất là quá trình triển khai trên thực địa đối với đội ngũ cán bộ. Bởi vì, có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng hộ gia đình. Trung ương chỉ hướng dẫn và đi đôn đốc, kiểm tra, tỉnh thì phân cấp cho huyện, huyện lại phân cho xã, xã thậm chí xuống đến cấp thôn, bản để tổ chức thực hiện, cấp phát cho bà con nhân dân tổ chức thực hiện tại thôn, bản, đến hộ gia đình. Đây là một vấn đề rất khó mà rất nhiều chi tiết nhỏ lẻ, cho nên đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và chúng tôi thấy đây là vấn đề khó nhất.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn: Năm 2020, Quốc hội có ban hành Nghị quyết số 120/QH14 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Đây là chương trình mới, lần đầu được thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên không tránh khỏi khó khăn. Dù được ban hành từ năm 2020 nhưng phải 2 năm sau chương trình mới được thực hiện trong thực tiễn. Do đó, một số chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình đã được thực hiện xong nhưng cũng có một số chỉ tiêu, mục tiêu cần điều chỉnh cho phù hợp. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng này và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để đảm bảo chương trình được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn và tránh lãng phí nguồn lực?

Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Khó nhất, trăn trở nhất là giải ngân vốn chậm - Ảnh 2.

Đại biểu Lưu Bá Mạc. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng đồng tình với nhận định trên, đồng thời phân tích thêm: Đến thời điểm hiện nay sau 3 năm trong quá trình tổ chức triển khai đang xây dựng văn bản ở trung ương mà chưa triển khai trên thực tế ở địa phương thì các địa phương bằng nguồn lực của địa phương và các nguồn ngân sách khác đã giải quyết một số dự án được đề ra đã hoàn thành và đặc biệt đối với 8 tỉnh không sử dụng nguồn ngân sách địa phương nhưng có tên trong 51 tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thì cơ bản đã hoàn thành nhiều mục tiêu.

Chính vì như vậy, cho nên mục tiêu này cần phải điều chỉnh. "Chúng tôi đồng tình với quan điểm đại biểu là cần phải rà soát, điều chỉnh. Để triển khai việc này, Ủy ban Dân tộc đã có giải pháp, chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã đồng ý giao cho Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị đánh giá sơ kết giữa kỳ.

Chúng tôi đã lập kế hoạch, cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này, chúng tôi tổ chức 3 hội nghị 3 vùng và đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh đề nghị đánh giá toàn diện tất cả các dự án và khả năng hoàn thành cũng như những dự án có khả năng đã hoàn thành rồi để tổng hợp, thống nhất toàn bộ, trước 15/7 chúng tôi sẽ có một báo cáo tổng hợp để gửi cho Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, đến tháng 10/2023 sẽ báo cáo với Quốc hội đối với những vấn đề cần phải điều chỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền của Quốc hội hoặc những vấn đề cần phải điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, hay nói cách khác là điều chỉnh một số nội dung và cơ chế phân bổ" – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Huy động vốn khó khăn do Covid

Cũng liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 120 của Quốc hội, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) có hỏi: Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 giao Chính phủ: " tiếp tục rà soát, cân đối bố trí ngân sách trung ương, bổ sung cho chương trình, tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho chương trình". Với vai trò là cơ quan thường trực của chương trình, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào? Kết quả ra sao?

Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Khó nhất, trăn trở nhất là giải ngân vốn chậm - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng đã thẳng thắn trao đổi: Hiện tại vốn đã được bố trí theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 là 104.000 tỷ vốn của Trung ương cho giai đoạn từ nay đến 2025. Đấy là ngân sách hỗ trợ của ngân sách nhà nước, trong đó vốn đầu tư là 50.000 tỷ và vốn sự nghiệp là 54.000 tỷ.

Đối với vốn ODA, Ủy ban Dân tộc đã cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động một khoản ngân sách khoảng gần 9.000 tỷ và đã làm xong bước thủ tục là xây dựng các khung chính sách và tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn và khung chính sách này đã được phía Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận.

Còn các nguồn ngân sách huy động từ các tổ chức trong nước thì do giai đoạn này cũng là giai đoạn đang rất khó khăn cho nên cũng chưa đặt vấn đề vốn. Trong thời gian tới, tùy theo diễn biến tình hình thì Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo với Chính phủ để có giải pháp để huy động vào thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn một số nguồn vốn khác, gồm có vốn tín dụng là 19.700 tỷ và vốn của địa phương đối ứng là 10%, khoảng trên 10.000 tỷ. Nghị quyết Quốc hội cũng giao cho Chính phủ huy động nguồn ngân sách ngoài ngân sách nhà nước và các nguồn vốn như tôi vừa nêu là khoảng 2.027 tỷ từ nguồn ODA, khuyến khích huy động một số nguồn vốn xã hội khác. Về bố trí nguồn vốn, có thể khẳng định đến thời điểm hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội và bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm, sẽ triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn của Quốc hội đã phê duyệt.

Còn giải pháp huy động nguồn vốn khác. Ngay sau khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư tại Quyết định 1719, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành để tham mưu cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng một kế hoạch để huy động nguồn vốn khác ngoài ngân sách, gồm có nguồn vốn ODA và các nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty. Nhưng đúng thời điểm năm 2021 và năm 2022 rơi vào thời điểm rất khó khăn của đất nước vì COVID-19, các doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tập đoàn, tổng công ty lớn thì chúng ta không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem