Trao đổi với báo giới xung quanh những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tăng trưởng, TS Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng cần đánh giá đúng bản chất nền kinh tế và doanh nghiệp đang rất khó khăn để có giải pháp đúng, trúng và hiệu quả.
Theo TS Cung, nếu còn có những đánh giá lạc quan như tăng trưởng cao, thu ngân sách lớn, nền kinh tế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hoặc thu hút được các FDI từ Trung Quốc sang mà không nhìn thấy hiện trạng nhiều doanh nghiệp đang mất đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc, doanh nghiệp đang khó khăn về vốn… thì chúng ta không có giải pháp khơi thông, vực dậy được nền kinh tế.
Theo TS Cung, thông thường sau Tết Nguyên đán, nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, năm 2022 sang năm 2023, kinh tế khó khăn, sự hồi phục chậm trễ và suy giảm rất lớn từ số doanh nghiệp phá sản, thu hẹp hoạt động.
Về đầu tư nước ngoài, TS Cung cho rằng Việt Nam vẫn nói điểm sáng, hấp dẫn nước ngoài, nhưng rõ ràng một thực tế là xu hướng giảm vốn đăng ký mới đã 3-4 năm nay rồi, chúng tôi đã liên tục cảnh báo đó là xu hướng nguy hiểm trong tương lai
Trong khi đó, giải ngân, thực hiện vốn FDI đang đi ngang, cho nên hai tháng đầu năm suy giảm vốn đăng ký là điểm quan tâm của nhiều người phải suy tính đề dự liệu cho tương lai.
Vậy giải pháp là gì?, TS Cung cho rằng phải dùng giải pháp thị trường, lấy thị trường làm thước đó, tôn trọng quy luật thị trường và lấy thị trường làm cơ sở để quản lý, điều tiết không nên sa đà dùng giải pháp hành chính để ép buộc thị trường, đơn cử như xăng dầu, điện…
"Cần tiếp tục miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, có tác dụng ngay và đúng quan điểm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp", TS Cung nói.
Theo TS Cung: Hàng chục năm trước, chúng ta đã nhìn thẳng sự thật, đối diện với sự thật và đánh giá đúng sự thật nên tìm ra những giải pháp phù hợp. Chính vì vậy, bây giờ phải xác định lại vấn đề này, không đánh giá quá lạc quan, cũng không nên quá bi quan, phải đánh giá đúng để tìm cho được giải pháp đúng, trúng.
"Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô, mất hợp đồng, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp đang khó khăn về vốn mà chúng ta không đánh giá đúng thì họ không có niềm tin vào chúng ta nữa", TS Cung nhấn mạnh.
Theo ông Cung, nếu chúng ta vẫn cứ đánh giá là bình thường, tốt thì chắc chắn chúng ta không đưa ra được những chính sách, biện pháp tốt hỗ trợ nền kinh tế cũng như giúp doanh nghiệp vượt khó, không có biện pháp an sinh cho người lao động.
Vị chuyên gia kinh tế khẳng định, nếu chúng ta tiếp tục "khuếch trương" tăng thu được ngân sách như là điểm đột phá thì không được. "Thu ngân sách sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không chi đúng và không chi được đầu tư công".
"Trong bối cảnh này, càng tăng thu bao nhiêu thì có gì đó nghịch lý bấy nhiêu vì đó là tiền của của doanh nghiệp, của người dân, không nên có tư duy chính sách ngược chiều với thực tế như vậy", nguyên Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh.
Theo TS Cung, các vấn đề giá điện tăng, y tế, giáo dục trở thành áp lực lớn đối với nền kinh tế năm 2023 khi mọi yếu tố giá đã ở giới hạn, buộc phải tăng.
Đây là những chỉ số đáng ra được điều chỉnh hằng năm theo cơ chế thị trường hoặc hỗ trợ từ Nhà nước chút thôi, vẫn phải để vận hành bình thường. Tuy nhiên, chúng ta giữ giá điện từ 2019 cho đến nay không tăng.
"Chúng ta kìm lại, thì đến lúc nào đó sẽ không thể giữ được nữa, phải cho tăng và lúc đó sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tạo sự giật cục, tạo cú sốc nhẹ đối với doanh nghiệp vì người ta phải tăng chi phí cho thay đổi", Ông Cung bình luận.
Chuyên gia Cung cho rằng: Nếu anh đánh giá đúng thì người ta còn hy vọng, còn nếu đánh giá không đúng hoặc cố tình không đúng thì người ta sẽ không còn hy vọng.