Theo Bộ Y tế, mới đây, tỉnh Prey Veng (Campuchia) ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1. Đây là tỉnh có đường biên giới giáp với Việt Nam và có vị trí gần 3 tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp nên việc cúm A/H5N1 xâm nhập là có thể xảy ra.
Đáng lưu ý, tại Việt Nam, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho sự phát triển dịch bệnh cúm ở gia cầm; đồng thời các lễ hội sau Tết nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức khiến hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cúm ở gia cầm và nguy hiểm hơn là sự lây nhiễm từ gia cầm sang người.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho rằng, hiện cúm gia cầm H5N1 chưa được coi là bệnh lưu hành tại TP, nhưng thành phố là nơi tập trung nhiều chợ đầu mối thu mua gia cầm ở nhiều tỉnh đòi hỏi phải luôn phải cảnh giác nguy cơ xâm nhập bệnh này.
Theo phân loại bệnh của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cúm gia cầm H5N1 thuộc nhóm A, tức bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Do đó, người dân cần luôn có tinh thần phòng, chống bệnh cúm gia cầm H5N1; không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa nấu chín kỹ, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với gia cầm.
Nhằm triển khai kịp thời các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch cúm A/H5N1 tại cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã tổ chức buổi tập huấn cung cấp những kiến thức cần thiết như dấu hiệu nhận biết đàn gia cầm bị mắc cúm, dịch tễ cúm A/H5N1 cũng như hướng dẫn các chỉ số cần giám sát trong cộng đồng và quy trình xử lý nếu có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại địa bàn TP.
Bà Lê Hồng Nga cho biết, ngành y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan y tế trực thuộc; đồng thời tham mưu cho UBND TP.HCM về việc đáp ứng khẩn cấp đối với cúm gia cầm H5N1 ngay sau khi nhận được văn bản cảnh báo của Viện Pasteur TP.HCM.
Theo đó, tại các cửa khẩu, ngành y tế đã triển khai các hoạt động tăng cường giám sát những người đến từ cụm dịch ở nước ngoài tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cụm cảng trên địa bàn thành phố; nếu phát hiện hoặc nghi ngờ sẽ kiểm tra dịch tễ và chẩn đoán. Song song đó, tại các cửa khẩu cũng phối hợp Chi cục Thú y vùng 6 giám sát kiểm dịch các gia súc gia cầm vào Việt Nam.
Trong nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt những người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, có triệu chứng nghi ngờ; tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm hô hấp cấp trong cộng đồng.
"Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ sẽ báo cáo hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố để khám, điều trị kịp thời; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện tăng cường giám sát, chẩn đoán các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng và báo cáo thông tin bệnh đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố để tiến hành điều tra, khoanh vùng xử lý nếu có những yếu tố nguy cơ", bà Lê Hồng Nga cho biết.
Tuy nhiên, bà Nga cho biết, mặc dù đây là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nhưng nguy cơ lây virus từ gia cầm sang người không cao. Virus này vẫn chủ yếu đáp ứng trên gia cầm nhiều hơn trên con người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng nguy cơ đối với cộng đồng do virus cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia vẫn ở mức thấp dù nước này đã phát hiện 2 ca bệnh gần đây.
Theo tuyên bố của WHO, dựa trên những bằng chứng cho đến nay, virus không dễ dàng lây nhiễm sang người và việc lây lan từ người sang người dường như là điều bất thường. Theo đó, dựa trên những thông tin sẵn có, WHO đánh giá nguy cơ virus lây lan ra cộng đồng ở mức thấp.
Trước đó, Campuchia đã xác nhận 2 trường hợp mắc cúm gia cầm H5N1 đầu tiên kể từ năm 2014. Ca thứ nhất là bé gái 11 tuổi ở tỉnh Prey Veng, tử vong ngày 22/2. Ca thứ 2 là cha của bé gái này, 49 tuổi, có kết quả dương tính một ngày sau đó và được cách ly, điều trị tại bệnh viện. Hiện người cha cùng những người khác có tiếp xúc với các ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus H5N1. Theo Bộ Y tế Campuchia, từ năm 2005 đến nay có 58 ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người tại nước này, trong đó 38 người tử vong.