Virus H5N1 làm một người Campuchia tử vong, Cục Thú y nói "Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt", khuyến cáo không ăn tiết canh

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 25/02/2023 19:13 PM (GMT+7)
Trước thông tin 2 trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm H5N1 tại Campuchia, trao đổi với Dân Việt ngày 25/2, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khẳng định, người dân không nên quá hoang mang, trong nhiều năm qua Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh cúm gia cầm.
Bình luận 0

Trước thông tin tại tỉnh Prey Veng, Campuchia (có đường biên giới với Việt Nam) đã ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1), trong đó có 1 trường hợp tử vong và 1 số trường hợp bệnh nghi ngờ, trao đổi với Dân Việt ngày 25/2, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khẳng định, người dân không nên quá hoang mang, trong nhiều năm qua Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh cúm gia cầm.

Ông Long cho hay, hôm nay, Cục Thú y đã trình Bộ NNPTNT ban hành công điện chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm H5N1.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngay từ đầu năm Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và tổ chức quốc tế để hỗ trợ, triển khai giám sát dịch bệnh cúm gia cầm ở 30 tỉnh, thành phố. 

Theo đó, tất cả đối tượng gia cầm nghi nhập lậu, buôn bán, giết mổ tại các chợ và các địa phương có đàn gia cầm trọng điểm đều được Cục Thú y lấy mẫu để giám sát, kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý.

Virus H5N1 xuất hiện ở Campuchia, Cục Thú y nói "Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt", khuyến cáo không ăn tiết canh gia cầm - Ảnh 1.

Theo WHO, có khoảng 870 ca nhiễm H5N1 ở người và 457 ca tử vong tại 21 quốc gia. Ảnh: WHO

Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tháng 12/2003 Việt Nam thông báo ca đầu tiên nhiễm cúm gia cầm H5N1. Đến nay, sau 20 năm, chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống cúm gia cầm. Theo ông Long, quan trọng là chúng ta phải chủ động giám sát, phát hiện từ sớm và xử lý triệt để.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm, Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch Quốc gia năm 2019 đến 2025. Hàng năm Bộ NNPTNT cũng đều có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng đã ban hành một loạt văn bản để chỉ đạo các địa phương về ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống thuốc vaccine cúm gia cầm chất lượng rất tốt. Để chủ động công tác phòng, chống cúm gia cầm, Thủ tướng, Bộ NNPTNT và Cục Thú y đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt các tỉnh, thành phố có đàn gia cầm nguy cơ cao thì phải tiêm phòng, đạt tối thiểu 20%.

"Chúng ta đã chủ động sản xuất và tiêm vaccine cho đàn gia cầm nên công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai rất tốt. Để sử dụng vaccine hiệu quả, Cục Thú y tiến hành giám sát chặt chẽ, khi phát hiện chủng loại virus lưu hành thì cũng sẽ có ngay vaccine phù hợp để tiêm phòng cho đàn gia cầm", ông Long nói.

Cũng theo ông Long, Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch bệnh gia cầm nhờ đã xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Hiện nay, cả nước đã tổ chức xây dựng khoảng 1.000 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, trên 100 triệu con gia cầm, trong vùng an toàn dịch bệnh đảm bảo 100% không có cúm gia cầm.

Ông Long khuyến cáo người dân không ăn tiết canh gia cầm, khi tiếp xúc cần vệ sinh cá nhân, sát trùng, tiêu độc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng này đã ghi nhận sự lây lan của cúm H5N1 sang động vật có vú. Tuy nhiên, cơ quan này nhận định nguy cơ đối với con người vẫn ở mức thấp.

Trên toàn cầu, WHO được báo cáo có khoảng 870 ca nhiễm H5N1 ở người và 457 ca tử vong tại 21 quốc gia. Bảy năm qua, tốc độ nhiễm H5N1 chậm lại, WHO chỉ ghi nhận có khoảng 170 ca nhiễm và 50 ca tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), virus cúm A (H5N1) thuộc nhóm A theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, có độc lực cao, có khả năng lây từ gia cầm sang người, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.

Biểu hiện lâm sàng: Sốt trên 38oC, có thể rét run. Thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên... Khó thở, thở nhanh, tím tái.

Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.

Các triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem