Đó là thông tin được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, diễn ra sáng nay (3/3).
Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày hôm qua (2/3), chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Kết quả, từ đầu năm đến nay (3/3), VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng chỉ ra rằng, lãi suất và tiếp cận vốn hiện đang là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%.
Đáng chú ý, đến nay đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Về tăng trưởng tín dụng, theo thông tin từ tư lệnh ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường.
Trong tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.
Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, Thống đốc cho biết, do 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong khi đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn.
Ngoài ra, việc đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp trong 2 tháng đầu năm.
Một nguyên nhân khác, đến từ thị trường bất động sản. Theo chia sẻ của Thống đốc, trong những năm trước tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, năm nay do thị trường này khó khăn nên tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản dù cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế nhưng đã chậm lại so với các năm trước đây.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022.
Cũng liên quan đến lĩnh vực bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp được triển khai ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ.
"Hiện Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tín dụng để chuẩn bị nguồn cho gói tín dụng này. Việc giải ngân sẽ dựa trên danh mục nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đưa ra", Thống đốc thông tin.
Được biết, lãi suất cho vay đối với người xây dựng và người mua nhà khi được áp dụng gói tín dụng này sẽ thấp hơn từ 1,5-2 điểm % lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Hiện, 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank đã tự nguyện đăng ký mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng. Thống đốc cho biết, gói này sẽ còn tăng lên khi nhiều ngân hàng khác đăng ký tham gia.
"Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn để các ngân hàng triển khai tiếp", Thống đốc nhấn mạnh.