Vào thời điểm thu hoạch rộ, đều đặn mỗi ngày, cô cử nhân kinh tế nông nghiệp này thu trên dưới 10 triệu đồng từ bán quả dâu tây chín mọng ra thị trường.
Người mà chúng tôi nhắc đến là chị Triệu Thị Mấy (SN 1999) ở bản Đông (xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu).
Sinh ra và lớn lên ở bản Nậm Sáng (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) sau khi tốt nghiệp THPT, chị Mấy thi đỗ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, cầm trong tay tấm bằng cử nhân kinh tế nông nghiệp, thay vì xin đi làm theo đúng chuyên ngành mình đã học, chị Mấy lại lựa chọn trở về quê, với dự định làm giàu từ trồng dâu tây.
Năm 2022, chị Mấy kết duyên với anh Lò Văn Vượng – Phó Bí thư Đoàn xã Mường Than. Nhà anh Vượng ở bản Đông.
Cùng chung niềm đam mê với nông nghiệp, hai vợ chồng chị Mấy đã biến ý tưởng trồng dâu tây thành hiện thực. Vườn dâu tây rộng chừng 1,2ha của gia đình chị Mấy nằm sát cánh rừng xanh tốt của bản Đông. Khi chúng tôi đến, chị Mấy đang cặm cụi phân loại, đóng gói quả dâu tây cùng với 2 lao động nữ khác.
Trước mắt chúng tôi là hơn chục chiếc khay nhựa đầy ắp những quả dâu tây chín mọng, thơm lừng, vừa được hái từ vườn về, đặt san sát nhau trên mặt bàn. Vườn dâu tây đang độ thu hoạch rộ, cách đó chỉ vài chục mét.
Chỉ vào những luống dâu tây xanh tốt, quả sai chi chít, chị Mấy phấn khởi nói: "Đây là thời điểm vườn dâu tây cho thu hoạch rộ. Mỗi ngày, gia đình tôi hái được từ 70 – 100kg quả dâu tây chín. Vì trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên quả dâu tây không chỉ thơm ngon, mà còn rất sạch, có thể hái ăn ngay tại vườn. Lượng quả dâu tây chín hái mỗi ngày đều được khách hàng mua hết. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon".
Qua câu chuyện với chị Mấy, được biết: Vườn dâu tây rộng chừng 1,2ha được gia đình chị Mấy trồng từ giữa tháng 11/2022. Đó là giống dâu tây Hana.
Gia đình chị Mấy mua cây giống dâu tây cấy mô từ thành phố Đà Lạt về trồng để nhân giống từ tháng 6/2022. Gia đình chị Mấy tự nhân giống trồng được khoảng 6000m2. Nửa diện tích còn lại là gia đình chị Mấy mua cây giống F1 ở Sơn La về trồng.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về kĩ thuật trồng và chăm sóc dâu tây, chị Mấy vui vẻ cho biết: Gia đình tôi trồng dâu tây theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi mua cây giống về, tôi phun thuốc xử lý nấm bệnh, sau đó mới trồng.
Đất trồng dâu tây phải đảm bảo tơi xốp. Tôi đem phân chuồng ủ hoai mục và phân lân, vôi trộn đều với đất, rồi lên luống, phủ bạt, khoét hốc, sau đó đưa cây giống vào trồng. Tùy từng thời kỳ sinh trưởng của dâu tây mà tôi cho chúng "ăn" loại phân và liều lượng phù hợp. Tôi thường sử dụng phân hữu cơ hòa tan để tưới cho vườn dâu tây qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Theo chị Mấy, thời điểm cây dâu tây đang phát triển thì cần cho "ăn" loại phân có hàm lượng đạm cao như đạm cá. Còn thời kỳ cây dâu tây chuẩn bị ra hoa, ra quả thì nên sử dụng phân chuối ủ và một số loại phân vi sinh khác.
"Khi cây dâu tây ra quả thì cứ cách từ 5 – 7 ngày, tôi lại tưới phân cho chúng. Làm như vậy, cây dâu tây sẽ cho quả sai hơn, đẹp hơn. Tôi thường sử dụng thuốc sinh học để phun phòng trừ nấm bệnh trên cây dâu tây.
Khi cây bắt đầu cho quả là tôi không phun thuốc nữa. Tôi luôn tuân thủ quy tắc "4 đúng" đó là: đúng thuốc, đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng thời điểm khi trồng, chăm sóc dâu tây. Tôi còn ghi nhật ký trồng, chăm sóc dâu tây" – chị Mấy cho hay.
Chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, vườn dâu tây của gia đình chị Mấy sinh trưởng, phát triển tốt. Cuối tháng 1/2023, vườn dâu tây của gia đình chị Mấy đã bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian đầu, cứ cách 2 ngày, chị Mẩy lại hái quả dâu tây chín 1 lần. Thời điểm này, vườn dâu tây của gia đình chị Mấy đang cho thu hoạch rộ. Mỗi ngày, gia đình chị hái từ 70 – 100kg quả dâu tây chín.
Từ đầu vụ đến nay, gia đình chị Mấy đã thu được gần 2 tấn quả dâu tây tươi. Bán ra thị trường với giá dao động từ 100 – 200.000đ/kg, gia đình chị Mấy thu gần 300 triệu đồng. Vườn dâu tây của gia đình chị Mấy dự kiến cho thu hoạch đến hết tháng 5. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, chị Mấy còn tạo việc làm, thu nhập cho 6 lao động ở địa phương.