Đây là củ lùn, tên mắc cười nhưng là củ ngon, dễ ăn, bổ dưỡng, nhiều vitamin, nhà giàu còn thèm
Đây là loại củ ngon, dễ ăn, bổ dưỡng, nhiều vitamin, tác dụng chống oxy hóa, tới mùa nhổ lên thích mắt
Thứ sáu, ngày 03/03/2023 18:50 PM (GMT+7)
Không biết nơi khác gọi nó tên là gì, nhưng ở chỗ tôi gọi là củ lùn, có lẽ vì dáng vóc nó lùn lùn và tròn ủm. Củ Lùn thuộc họ dong riềng, củ bình tinh. Ngay cả thân và lá cây củ lùn cũng khá giống cây bình tinh nhưng củ của nó thì cứ như trứng cút, vừa trắng vừa tròn và be bé vậy thôi.
Củ lùn được trồng vào đầu mùa mưa và vun giồng giống như củ từ, củ tím, vậy đó. Mục đích của việc vun giồng này là để gốc có nhiều đất và là nơi sinh sản cho nhiều củ, chứ gốc trơ ra vì mưa thì làm sao có chỗ cho củ chen chúc nhau mà phát triển.
Đi qua mùa mưa là mùa phát triển của loài cây mang tên “củ lùn”, nó sẽ xanh um thân lá, củ non mọc thành chùm bu quanh gốc thân cây mẹ. Vùng đất xốp tốt và được người trồng bón phân đầy đủ, thì có gốc cho ra vài chục củ là chuyện bình thường
Hết mùa mưa thì củ lùn không phát triển thân lá nữa, mà tập trung dồn hết sinh lực cho củ lớn lên và đi để mang đến loại củ thanh mát và nhiều tinh bột cho con người.
Sau khi trời dứt mưa, là từ khoảng Rằm tháng mười đển cuối tháng 11 âm lịch là chủ nhân những vườn củ lùn sẽ thu hoạch dài cho đến hết tháng Giêng.
Khóm cây củ lùn nào lá ngã vàng thì bắt đầu thu hoạc trước. Cũng dễ thôi, đào củ lùn như đào khoai lang vậy. Dùng cuốc đào nhẹ hai bên hông của giồng củ lùn cho nó bớt đất đi, rồi cũng cây cuốc đó, cuốc mạnh vào từng bụi củ lùn ấy, nhấc bổng lên.
Vậy là những cái củ màu trắng lủng lẳng với chiếc cuống dài sẽ làm mát mắt người thu hoạch vì đám lùn năm nay cho nhiều củ quá.
Củ lùn luộc là một món ăn ngon, bổ dưỡng, dễ ăn. Theo các thấy thuốc, trong củ lùn có chứa lượng lớn chất chống oxy hóa, các loại khoáng chất như vitamin C, vitamin A,.. Đặc biệt vitamin C trong củ lùn là thành phần quan trọng việc hình thành các collagen giúp tái tạo da và làm chậm quá trình lão hóa.
Củ Lùn thu hoạch xong, nếu muốn ăn ngọt hơn, bùi hơn thì đừng vội đem nấu nhé! Mà hãy để vào nơi râm mát cho nó “rút mình” từ hai đến bốn ngày. Sau đó rửa sạch, cho vào nồi nấu bằng lửa củi sẽ ngon hơn lửa gas vì sự nồng đượm của bếp than sẽ làm cho củ chín từ từ. Khi nồi củ Lùn sôi lọc ọc, hãy cho một ít muối vào để nó ngọt hơn.
Rồi mùi thơm chín tràn gian bếp nhỏ, hãy vớt một vài củ ra, dùng đũa xiên xem đã thủng chưa. Nếu thủng rồi thì chắc chắn củ Lùn đã chín.
Trút nồi củ Lùn ra, để cho nó nguội một chút là bắt đầu bóc vỏ và thuởng thức được rồi. Vị thanh mát nhưng không quá nhiều bột để nghẹn như khoai mì, càng không ngọt như khoai lang, cũng không bong bột để dễ vỡ vụn như khoai từ…
Củ Lùn là một sản vật thiên nhiên ban tặng cho con người, nó thơm ngon thanh vị mát ngọt, là món ăn chơi nhưng lại rất tốt cho sức khỏe những ngày nắng gió khô cằn cả cơ thể con người.
Giá của củ Lùn cũng không rẻ lắm đâu, loại nhất sau khi nấu chín thì hiện nay là 30 ngàn đồng/kg. Nếu chưa nấu thì cũng là 25 ngàn đồng/kg
Loại nhì nấu chín xong mang ra chợ cũng có giá 25 ngàn đồng.
Trưa trưa đi làm ngồi nghỉ mệt, một kg củ lùn cũng khiến hai, ba người bạn nhâm nhi và rôm rả câu chuyện lắm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.