Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho rằng Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới (chiếm tới 60% thị phần thế giới).
Mặc dù Việt Nam xuất khẩu cà phê lớn, nhưng chuỗi giá trị gia tăng cho người trồng cà phê Việt Nam rất nhỏ. Giá bán cà phê ở thị trường cà phê rang xay như Bắc Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với Việt Nam.
"Cà phê của Việt Nam không có thương hiệu, giá trị gia tăng của nông dân cực thấp so với người bán lẻ, người rang xay", ông Hải nói.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nước giải khát cà phê Lekofe (TP.HCM), cho rằng để tăng giá trị cho cà phê Việt, cần tập trung vào khâu truyền thông trước hết. Các bên liên quan phải truyền thông cho người tiêu dùng về cà phê sạch, chất lượng, cũng như truyền thông cho nông dân về trồng cà phê đúng tiêu chuẩn.
Ông Nghĩa kể, người tiêu dùng nước ngoài có thói quen chỉ dùng cà phê có thương hiệu, được sản xuất bởi những nhà sản xuất bản địa. Cà phê Việt Nam dù ngon hơn, chất lượng hơn, rẻ hơn, nhưng họ cũng không để mắt tới.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải bán cà phê thô cho những nhà máy có thương hiệu, để họ sản xuất và bán ra.
"Việc xây dựng thương hiệu để tăng giá trị cho cà phê Việt tại thị trường nước ngoài cần có chiến lược bài bản", ông Nghĩa nói.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng vẫn còn không gian mênh mông để tạo ra và tăng giá trị cho cà phê Việt.
Bộ trưởng Hoan kể, nhiều người dân ở nông thôn thường chê cà phê nguyên chất là nhạt nhẽo.
Hoặc, người Việt Nam hay chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt. Thế nhưng mấy trăm năm nay, họ vẫn uống như vậy. Bởi vì thế giới chuộng dòng Arabica, trong khi Việt Nam lại mạnh về cà phê Robusta.
Dẫn chứng như vậy để thấy, việc định vị lại vị trí cà phê Việt trên bản đồ thế giới phải xác định phát triển dòng cà phê cụ thể.
"Cần phải tránh việc ta cứ ngồi nhà và nghĩ rằng cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới. Trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Hoan cho rằng, cà phê muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu.
Việc xây dựng thương hiệu cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá. Cà phê là một nét văn hóa. Bộ trưởng Hoan gợi ý doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng.
Với từng địa phương và người trồng cà phê, Bộ NNPTNT đã xây dựng vùng nguyên liệu cho Tây Nguyên. Nhưng cây cà phê ở đây có thành công hay không còn ở việc chính quyền địa phương hợp sức cùng doanh nghiệp, tác động để bà con nông dân thay đổi, cùng làm.
Thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là loại thức uống. Rất nhiều ngành kinh tế phát triển từ cà phê, như mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê; thuốc nhộm vải, sợi, giày… cũng làm từ cà phê.
"Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê, nhưng chúng ta còn đang làm thô. Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra và tăng giá trị cho cà phê Việt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.