Cảnh báo hiện tượng tụt nước ngầm ở vùng trồng cà phê: Hướng tới sản xuất cà phê có trách nhiệm

PV Thứ ba, ngày 20/04/2021 10:10 AM (GMT+7)
Theo một nghiên cứu mới được Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố, để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng các điều khoản về thương mại tự do EVFTA và CPTPP, ngành cà phê nước ta cần xây dựng theo hướng "có trách nhiệm" và "xanh" hơn.
Bình luận 0

Tác động tiêu cực đến môi trường

Theo các thống kê từ Dự án "Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm với môi trường cho hai ngành cà phê và rau quả ở Việt Nam" do VIRI phối hợp Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) triển khai từ tháng 11-2020 đến tháng 7-2021, trên thế giới hiện có khoảng 75 quốc gia trồng cà phê, tập trung ở khu vực Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

Tại Việt Nam, cà phê được trồng chủ yếu ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Số liệu từ Vicofa cho biết: Mỗi năm, ngành cà phê nước ta thu hút khoảng 600.000-700.000 lao động, có thời điểm lên tới 800.000 người.

Hiện, thị trường xuất khẩu của cà phê Việt Nam đã vươn tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều thứ hai trên thế giới sau Brazil, đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta. Tuy nhiên, cà phê cũng là một trong những ngành nông nghiệp tác động lớn nhất đến bảo tồn đa dạng sinh học rừng.

Một số nghiên cứu trong nước cho thấy: Sau khi trồng cà phê, kết cấu của rừng bị giảm từ 3-5 tầng chỉ còn 1-2 tầng; độ tàn che giảm nghiêm trọng từ 0,6-0,7 xuống còn 0,2-0,3. Việc sử dụng thuốc trừ sâu phổ biến trong ngành cà phê cũng mang lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.

Cũng theo nghiên cứu trên, độ ẩm đất trong rừng tự nhiên và vườn cà phê có sự khác nhau rất rõ rệt, trung bình từ 60-65%. Hàm lượng sét vật lý giảm từ 1-10%, hàm lượng mùn giảm mạnh khiến đạm trong đất giảm theo. Tổng hàm lượng vi sinh vật trong đất trồng cà phê luôn thấp hơn rừng tự nhiên từ 10-20%, lượng vi sinh vật cũng khác nhau…

Tạo đà phát triển bền vững cho cà phê Việt Nam - Ảnh 2.

Nông dân tiến hành phơi cà phê sau khi thu hoạch.

Do nhu cầu tưới cho cà phê lên tới 300-400 lít nước/gốc mỗi lần tưới, người trồng cà phê thường đào giếng khoan dẫn đến hiện tượng chảy tầng, tụt mạch nước ngầm. Ngoài ra, các khâu chế biến, sản xuất cà phê cũng đều gây ra những vấn đề tiêu cực về năng lượng và môi trường.

Sản xuất cà phê "có trách nhiệm"

Thực tế, việc kinh doanh có trách nhiệm với môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành cà phê nói riêng đã trở thành một trong những cam kết của Việt Nam với quốc tế thông qua nhiều hiệp định thương mại, đồng thời là yêu cầu của các đối tác trên khắp thế giới.

Với sự tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) và Chính phủ Thụy Điển, Dự án "Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm với môi trường cho hai ngành cà phê và rau quả ở Việt Nam" đã thu thập được nhiều thông tin cho thấy, Châu Âu - thị trường chiếm tới hơn 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, luôn khuyến khích và sẵn sàng "cộng điểm" cho quy trình sản xuất "có trách nhiệm", thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ - thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ hai của nước ta sau Đức - đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường. Tương tự, Nga và Australia cũng đặt ra nhiều quy định liên quan đến môi trường khắt khe đối với cà phê nhập khẩu.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu này, nhiều doanh nghiệp trồng cà phê của Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất và chế biến nhằm thiết thực bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như Hợp tác xã Bình Minh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã sử dụng công nghệ nhiệt phân để đun nóng phế phẩm nông nghiệp.

Công nghệ này thay thế hoàn toàn cho những cách đốt nguyên liệu truyền thống, vừa giúp giảm thiểu khói bụi, khí thải độc hại ra môi trường, vừa tạo khí gas cháy tuần hoàn liên tục, giúp nông dân sấy cà phê với hiệu quả cao. Quá trình nhiệt phân còn tạo than sinh học làm phân bón cải tạo đất với đặc tính giữ nước cao, chống xói mòn, cải thiện độ tơi xốp của đất, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi sinh sôi, sinh màu mỡ cho cây trồng.

Ở tỉnh Đồng Nai, có một nhà máy sản xuất cà phê lon cũng đã ứng dụng công nghệ xử lý nước thải, khí thải hiện đại nhằm giảm ô nhiễm; triển khai các biện pháp giảm khí thải carbon theo năm; đầu tư tái chế, tài sử dụng phế liệu, vật liệu sản xuất, bã cà phê... thành sản phẩm dệt may, sản phẩm khử mùi.

Tóm lại, ngành cà phê trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế và chuỗi giá trị tiêu dùng toàn cầu. Thế nhưng, để phát triển một cách bền vững, an toàn cho môi trường, hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh, ngành cà phê cần chú trọng sản xuất "có trách nhiệm", thay đổi các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.

Vì vậy, cần thiết xây dựng và áp dụng bộ quy tắc ứng xử về môi trường trong ngành cà phê, nhằm đưa ra các nguyên tắc, quy định phù hợp với thị trường trong nước, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế, thỏa mãn các điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về thực hành kinh doanh có trách nhiệm với môi trường mà Việt Nam đang là thành viên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem