Dân Việt

Thầy giáo người Dao làm mẹ trên bản Mông

Hà Linh 05/03/2023 15:55 GMT+7
Lặn lội vượt gần 500 cây số từ quê hương Sơn La, thầy giáo người Dao – Bàn Văn Đức ngược lên biên giới Mường Nhé (Điện Biên) để làm... “mẹ”.

Hơn 10 năm trôi qua, đôi bàn tay thô ráp, vụng về ấy đã chăm bẵm, nuôi dạy hàng trăm đứa trẻ vùng cao tự tin vững bước trên hành trình chinh phục tri thức.

Không phải cứ “xuôi dòng” mới là tiến lên

Thầy giáo Bàn Văn Đức quê ở tỉnh Sơn La. Năm 2011, thầy tốt nghiệp khoa Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Thái Bình. Không ở lại tìm kiếm cơ hội tại những vùng thuận lợi như nhiều bạn bè cùng khóa, thầy Đức ngược lên huyện biên giới Mường Nhé nộp hồ sơ xin việc.

“Thật ra ngày tôi mới ra trường, có nhiều vùng thuận lợi hơn vẫn thiếu giáo viên. Khi tôi quyết định lên biên giới, nhiều người bảo tôi ngược đời, sao không cố gắng tìm kiếm cơ hội ở gần. Thế nhưng tôi nghĩ, không phải cứ xuôi dòng mới là tiến lên. Chỉ cần được làm đúng với nghề đã đào tạo, thì ở đâu cũng tốt. Dù sao, nghề tôi lựa chọn vốn cũng đã ‘ngược’ rồi”, thầy Đức tâm sự.

Rồi thầy kể, ngay từ khi chọn học và gắn bó với công việc làm giáo viên mầm non, người thân, bạn bè thầy đều phản đối. Bởi theo quan niệm thì đây là nghề chỉ phù hợp với nữ giới. “Nhiều người bảo, giáo viên mầm non là phải có giọng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, hát hay, múa dẻo… Tôi thì lại nghĩ, trẻ con sẽ quý, sẽ nghe lời người nào yêu chúng. Vì thế, chỉ có tình yêu đúng cách mới là phương pháp dạy trẻ tốt nhất”, thầy Đức nói.

Nói thì là vậy, song để chinh phục hành trình “đi ngược” ấy, thầy Đức cũng phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Nộp hồ sơ, thầy được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Ngày đầu tiên đặt chân lên điểm trường lẻ ở đây, thầy hụt hẫng khi chứng kiến cảnh khó khăn, nghèo khó của bà con bản địa.

Thầy giáo người Dao làm mẹ trên bản Mông - Ảnh 1.

Những đứa trẻ khó khăn, thiếu thốn ở biên giới luôn là trăn trở của thầy giáo Bàn Văn Đức. Ảnh: Hoài Thứ

Là bản giáp biên giới, 100% đồng bào dân tộc Mông, đời sống gần như “tự cung tự cấp” nên nhiều trẻ không được đến trường. Trong khi đó, đường giao thông, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại, các dịch vụ giao thương gần như không có. Bọn trẻ sinh ra, lớn lên gần như theo bản năng vì thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của người lớn.

Ngay sau khi nhận công tác tại điểm trường Chuyên Gia 3, thầy Đức tìm đến từng nhà dân để vận động học sinh ra lớp. Thầy tâm sự: “Muốn người dân cho con em đến lớp, thì trước tiên phải làm cho họ hiểu đi học để làm gì, hơn ở nhà như thế nào? Vì thế tôi phải đi đến từng nhà, vận động từng phụ huynh một. Có người thậm chí phải đi nhiều lần, vận động, trò chuyện nhiều giờ để họ hiểu mình, hiểu mục đích của mình”.

Do khác dân tộc nên việc nói để dân nghe, dân tin cũng không hề đơn giản. Thầy Đức đã kết nối, phối hợp cùng với chính quyền địa phương, tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản trong những lần gặp mặt đầu tiên. Bước chân lặng lẽ, cặm cụi, bền bỉ qua ngày, vượt tháng cũng giúp bà con người Mông biên giới hiểu hơn tấm lòng thầy giáo trẻ. Những người dân đầu tiên bắt đầu cho con ra lớp, song họ lại gần như khoán trắng cho thầy. Chưa lập gia đình, chưa từng có con, giờ lại làm “mẹ”, chăm sóc cùng lúc hơn chục đứa trẻ tiếp tục khiến thầy gặp khó.

“Thực tế khó khăn, vất vả hơn nhiều so với những điều tôi được học và xác định từ đầu. Nhất là trẻ ở vùng này ít được tiếp xúc với người lạ nên chưa dạn dĩ. Nhiều thói quen còn mang tính bản năng. Để chăm sóc, giáo dục chúng thì tình yêu thôi chưa đủ, mà cần thêm cả sự kiên trì, nhẫn nại và hiểu biết nhất định thì mới có cách tiếp cận, phương pháp giảng dạy phù hợp nhất”, thầy Đức giãi bày.

Để vượt qua ngượng nghịu, vụng về của những ngày đầu, thầy Đức nhờ đồng nghiệp nữ hỗ trợ thêm. Những khi có cơ hội, thầy cũng tự mò mẫm lên mạng tìm hiểu, học hỏi thêm kỹ năng múa, hát; cách thức làm sao để tổ chức một giờ học cuốn hút; tự sáng tạo ra những đồ chơi kích thích trí tò mò, phấn khích của bọn trẻ.

Một ngày của thầy Đức thường bắt đầu từ sớm, nhưng sẽ kết thúc sau 24 giờ. Bởi nhiệm vụ chăm lo, dạy dỗ cho trẻ gần như chiếm hết thời gian ban ngày. Khi màn đêm tĩnh mịch buông xuống, bà con trong bản thường nghe tiếng đục đẽo, cưa xẻ vang lên từ lớp học lập lòe ánh đèn. Đó là lúc thầy tranh thủ lắp ghép, hoàn thiện những chiếc xích đu, bập bênh, cầu khỉ và nhiều đồ chơi mới từ những thứ bỏ đi được nhặt nhạnh, tích cóp trước đó.

Thầy giáo người Dao làm mẹ trên bản Mông - Ảnh 2.

Ngoài giờ lên lớp, thầy Đức tự tay chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Trẻ khôn lớn, thầy cũng “trưởng thành”

Khi chúng tôi có mặt tại điểm trường Mầm non Chuyên Gia 3 cũng là lúc thầy Đức cùng trò đang triển khai các hoạt động trong tiết học âm nhạc. Nhìn sự say sưa và những động tác chân tay nhuần nhuyễn, mềm mại của thầy từ trong ánh mắt những đứa trẻ, chúng tôi mới thật sự thấm hiểu tâm sự trước đó của thầy.

Hiện thầy Đức chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép 5 - 6 tuổi và 3 - 4 tuổi, với 15 trẻ. Tất cả mọi công việc từ dạy học đến nấu ăn, chăm chút tay chân, vệ sinh hàng ngày cho trẻ đều do một tay thầy Đức thực hiện. Đều đặn mỗi ngày, khi mặt trời nhú trên đỉnh núi phía xa cũng là lúc thầy thức dậy để kịp nhận thực phẩm từ trường trung tâm mang về điểm bản. Nhận trẻ từ phụ huynh, thầy giảng dạy đến giữa buổi thì tổ chức hoạt động tự chơi cho trẻ để tranh thủ xuống bếp nấu 16 suất cơm trưa.

Giờ ăn đến, bọn trẻ nháo nhác vì đói. Một mình thầy Đức “xoay” như chong chóng. Đút cơm cho đứa này, rồi lại lấy canh, san thức ăn cho đứa kia. Trẻ ăn xong, thầy tranh thủ ăn vội bát cơm để còn cho chúng đi ngủ. Trẻ yên giấc rồi, thầy mới có thời gian dọn dẹp, rửa bát, thìa… nên giấc ngủ trưa ngày nào cũng vội.

“Tất bật thế nhưng bọn trẻ cứ ăn ngon, ngủ khỏe vậy là tôi vui lắm rồi. Mỗi năm trôi qua chúng tiến bộ thêm một chút thì mình lại đỡ vất vả đi. Trẻ trưởng thành, tôi cũng thấy mình trưởng thành hơn trong nghề và trong cả vai trò làm bố đối với gia đình riêng của tôi”, thầy Đức chia sẻ.

Quen địa bàn, công việc nên mỗi ngày với thầy Đức giờ đây nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhờ vậy thầy có thêm thời gian để xuống bản trò chuyện, gần gũi với bà con. Ở điểm trường, thầy cũng tự tay cải tạo đất, mua hạt về gieo những luống rau xanh cải thiện bữa ăn cho trẻ.

“Xóa bỏ” những hoài nghi ban đầu của nhiều người, giờ đây thầy Đức đã chứng minh được rằng không có công việc, nhiệm vụ nào là chỉ dành riêng cho nam giới hay phụ nữ. Thậm chí, nhiều giáo viên nữ mới vào nghề phải “ngưỡng mộ” trước sự khéo léo, chăm chút của thầy.

Suốt 11 năm gắn bó với vùng đất biên giới, thầy Đức đã đặt những viên gạch xây dựng nền tảng đầu tiên cho hàng trăm đứa trẻ nghèo khó, tự ti vững tin theo đuổi con đường tri thức. Trong những chia sẻ cho tương lai, chúng tôi không thấy thầy nhắc đến nguyện vọng chuyển địa bàn, mà chỉ nghe câu chuyện trăn trở về sự học, cuộc sống của những đứa trẻ vùng cao.

Còn theo chia sẻ của cô Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Đức luôn đặc biệt trong số giáo viên nhà trường. Sự đặc biệt ấy không chỉ đến từ việc thầy là nam giáo viên mầm non duy nhất của toàn huyện, mà bởi những nỗ lực thầy đang thực hiện để “bình thường hóa” công việc đặc biệt.

“Mặc dù ở đây học sinh 100% là con em đồng bào Mông, song sự tương đồng trong đời sống phần nào cũng giúp thầy Đức đứng lớp rất vững vàng, thực hiện nhiều phần việc mà ít giáo viên mầm non thông thường làm được. Cũng đã nhiều lần nhà trường có ý định luân chuyển cho thầy về dạy ở trung tâm, nhưng thầy từ chối. Lý do thầy đưa ra là cả trường có mình thầy là nam giới nên muốn nhận phần gian khó hơn. Nhờ vậy mà nhiều cô giáo có hoàn cảnh đặc biệt như mang thai, có con nhỏ… cũng đỡ phần vất vả”, cô Hương cho hay.

Tôi muốn nhìn thấy những học sinh mà tôi từng dạy dỗ được lớn lên, trưởng thành trong điều kiện tốt hơn. Mà trước mắt là mong có một con đường thuận lợi, để bọn trẻ đi lại đỡ vất vả. Ở đây, từng có rất nhiều người sinh ra, lớn lên cho đến khi hết cuộc đời cũng không ra khỏi bản làng mình. - Thầy Bàn Văn Đức