Vụ bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành tử vong: "Đừng đổ lỗi cho áp lực"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 05/03/2023 11:17 AM (GMT+7)
Vụ việc bé trai P.T.Đ, 17 tháng tuổi, bị bạo hành dẫn đến tử vong khi đi học ở một cơ sở giữ trẻ tư nhân tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội đang gây chấn động. Chuyên gia và người hoạt động trong ngành đã lên tiếng về vụ việc.
Bình luận 0

Vụ bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành tử vong: Giáo viên là phải yêu trẻ

Công an huyện Thường Tín, Hà Nội, đang tiếp tục làm việc với Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (29 tuổi, cùng trú tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), là 2 giáo viên trông trẻ. 

An khai đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm, được huấn luyện kỹ năng chăm sóc trẻ. Lớp của An và Lành đang trông coi khoảng 10 cháu. "Trông các bé em cũng rất áp lực. Hàng ngày, công việc của em là đi chợ, cho các cháu ăn uống và vệ sinh, trả trẻ", An nói. Còn Lành cho biết đã cùng An trông trẻ tại cơ sở trên khoảng 1 năm nay. 

Vụ bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành tử vong: "Đừng đỗ lỗi cho áp lực" - Ảnh 1.

Các đối tượng An (trái) và Lành tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

TS. Đặng Văn Cường, Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em cho biết: "Hành vi của hai nữ giáo viên trong vụ bé trai 17 tháng tử vong ở Thường Tín, Hà Nội là vô cùng tàn nhẫn, mất tính người. Với kết quả điều tra ban đầu, hai đối tượng này sẽ bị xử lý về tội Giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ nên sẽ phải đối mặt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình".

Chia sẻ thêm về tình trạng bạo hành trẻ mầm non, TS Cường cho hay: "Thông thường những người làm nghề giáo là những người có tấm lòng yêu trẻ, có đạo đức tốt, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt là các cô giáo ở bậc mầm non, tiểu học thì tình yêu trẻ và kỹ năng sư phạm là những yêu cầu đòi hỏi đầu tiên để hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực này.

Qua điều tra, nghiên cứu về tình hình tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em chúng tôi thấy rằng phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều là những người không được đào tạo bài bản hoặc vụ việc xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, thiếu sự quản lý của nhà nước. Các bảo mẫu thường là những người chuyển ngành, trái ngành hoặc không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo bài bản. Đây là hạn chế của công tác quản lý giáo dục trong thời gian qua ở một số địa phương.

Ngoài việc xử lý nghiêm khắc với các đối tượng giết trẻ em thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở giáo dục chui, hoạt động giáo dục không đúng pháp luật, các giáo viên, cán bộ, nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra".

Không thể đổ lỗi cho áp lực

TS Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, giảng viên Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Vụ bé 17 tháng tuổi tử vong ở Thường Tín xảy ra ở một nhóm trẻ tự phát và cơ sở này hoạt động trái phép, đã bị lập biên bản 2 lần tuy nhiên vẫn phớt lờ và tiếp tục hoạt động. 

Vụ bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành tử vong: "Đừng đỗ lỗi cho áp lực" - Ảnh 2.

TS Chu Thị Hồng Nhung: "Không thể đổ lỗi cho áp lực".

Nói về trách nhiệm liên quan đến vụ việc, TS Nhung cho hay: "Việc nhóm trẻ hoạt động trong điều kiện không đảm bảo an toàn, các điều kiện còn thiếu thốn, ẩm thấp mất vệ sinh có nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Phòng GDĐT đã phát hiện và lập biên bản 2 lần tuy nhiên cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương hơn nữa. Đặc biệt, bảo mẫu ở nhóm trẻ này không được đào tạo cơ bản, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, liều lĩnh trong việc trông giữ trẻ". 

Vì vậy, TS Nhung nhấn mạnh, vai trò của giáo viên ở các nhóm trẻ độc lập tư thục, các cơ sở giáo dục mầm non rất quan trọng, cần phải qua đào tạo, rèn nghề theo đúng quy định để tránh tình trạng bạo hành diễn ra như thời gian vừa qua.

"Ở một góc nhìn khác tôi cho rằng khi đã xác định là giáo viên mầm non cần phải yêu thương trẻ, yêu nghề, gắn bó với nghề. Nếu trông trẻ vì mưu sinh thì không nên trở thành giáo viên mầm non. Có người cho rằng giáo viên bạo hành trẻ là do áp lực. Theo tôi nghĩ đây là thuộc vào vấn đề đạo đức chứ không phải do áp lực. Khi xảy ra sự việc đáng tiếc, không thể đỗ lỗi cho áp lực để gây ra bạo hành trẻ em, như thế là vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em", TS Nhung nói.

Theo bà Nhung, hiện nay ở hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, sinh viên đã được đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, xử lý tình huống sư phạm và những vấn đề đảm bảo quyền trẻ em phòng tránh bạo hành trẻ. Tuy nhiên, hầu hết các vụ bạo hành trẻ lại xảy ra ở các nhóm trẻ tự phát, bảo mẫu không được đào tạo bài bản, thiếu hiểu biết và kỹ năng nghề nghiệp, không được quản lý nên mới xảy ra những hiện tượng đáng tiếc như vậy.

TS Nhung tư vấn, đối với các gia đình khi chọn trường cho con cần tìm hiểu các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện trông giữ trẻ hay không, đội ngũ giáo viên có đảm bảo chất lượng hay không... Bố mẹ không nên gửi trẻ ở những nhóm trẻ không được cấp phép.

Bà Ngô Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, tất cả các vụ bạo hành đều có thể xảy ra ở các nhóm trẻ có phép hay tự phát. Nguyên nhân là do giáo viên không có chuyên môn, nghiệp vụ.

"100% giáo viên của trường chúng tôi tốt nghiệp từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 50% giáo viên tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 2, khoa Giáo dục Mầm non. Tôi sẵn sàng trả lương cao để tuyển các cô đạt chuẩn. Tuyển giáo viên đúng chuyên môn sẽ ít có rủi ro", bà Huyền cho hay.

Theo Luật Giáo dục năm 2019, chủ nhóm lớp độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Giáo viên phải có bằng cao đẳng sư phạm mầm non trở lên mới đảo bảo tiêu chuẩn. Thế nhưng, số lượng trẻ trên nhóm lớp tăng nhiều trong khi không bổ sung đội ngũ giáo viên đạt chuẩn mà sử dụng những người không có chuyên môn trực tiếp chăm sóc trẻ dẫn tới tình trạng bạo hành như thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem