Dân Việt

Nữ giảng viên ngành Trí tuệ nhân tạo với ứng dụng AI vào chẩn đoán ung thư da

Tào Nga 06/03/2023 11:18 GMT+7
"Nghiên cứu của tôi cố gắng thu hẹp khoảng cách này để chuyên gia y tế có thể tin tưởng vào các hệ thống học máy và bắt đầu ứng dụng chúng trong công việc hằng ngày”, cô Lê Vân Anh chia sẻ.

Ứng dụng AI vào chẩn đoán ung thư da

Trước khi bắt đầu hành trình nghiên cứu sinh ở Việt Nam, cô Lê Vân Anh, nghiên cứu sinh Tiến sĩ, giảng viên ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học RMIT từng là trợ lý nghiên cứu tại Thụy Điển, sau đó là chuyên gia phân tích dữ liệu và cố vấn học tập cho môn toán và thống kê. Suốt thời gian đó, cô đã học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ học máy và khoa học dữ liệu.

Chứng kiến cách công nghệ đang thay đổi cuộc sống của con người trên toàn thế giới, cô Vân Anh dần ấp ủ mong muốn làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu của riêng mình trong lĩnh vực này. Cô quyết định chọn chẩn đoán ung thư da bằng công nghệ máy tính làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.

Nữ giảng viên ngành Trí tuệ nhân tạo với ứng dụng AI vào chẩn đoán ung thư da - Ảnh 1.

Cô Lê Vân Anh, nghiên cứu sinh Tiến sĩ với luận án ứng dụng AI vào chẩn đoán ung thư da. Ảnh: NVCC

“Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Điều đáng mừng là hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Các chuyên gia y tế có thể chẩn đoán chính xác bệnh ung thư, nhưng đó là một quá trình tốn nhiều thời gian, đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu. AI có thể hỗ trợ quá trình này. Tuy nhiên, những công nghệ tiên tiến thường được biết đến như những "hộp đen" gây khó hiểu cho con người vì chúng chưa cung cấp bất kỳ cơ sở lý luận nào cho chẩn đoán mà chúng đưa ra. Nghiên cứu của tôi cố gắng thu hẹp khoảng cách này để chuyên gia y tế có thể tin tưởng vào các hệ thống học máy và bắt đầu ứng dụng chúng trong công việc hằng ngày”, cô nói.

Đối với nhiều người, 5h sáng vẫn đang còn chìm sâu vào giấc ngủ nhưng đối với cô Lê Vân Anh đã chính thức khởi động. Một ngày của cô luôn vận động không ngừng. Cô tham gia lớp học bơi vào sáng sớm, tiếp đến là 8 tiếng làm việc hăng say và 2 tiếng đạp xe sau giờ làm.

"STEMM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và Y học) là những ngành kỹ thuật với lượng kiến thức khổng lồ, đòi hỏi chúng tôi phải luôn nỗ lực học tập, đọc nhiều sách báo, tài liệu và thực hành liên tục. Nhưng để làm tốt bất kỳ công việc gì cũng cần có sức khỏe và thể lực tốt", cô nói.

Chính vì vậy, 5 năm trước cô Vân Anh bắt đầu đưa ba môn phối hợp (chạy, bơi, đạp xe) vào chương trình luyện tập thường xuyên của mình. Các môn thể thao này có nhiều lựa chọn và cho cô cảm hứng duy trì việc tập luyện hằng ngày. Cô nhận thấy sức bền, tính kiên cường và sức khỏe tổng thể của bản thân được cải thiện rõ rệt. Tính kiên cường và sức khỏe cũng là những yếu tố hữu ích giúp cô trên hành trình làm nghiên cứu sinh theo chương trình "Học bổng nghiên cứu và giảng dạy tiền tiến sĩ dành cho phụ nữ trong lĩnh vực STEMM".

Kiến thức luôn rộng mở cho tất cả mọi người, thuộc mọi giới tính

Theo Vân Anh, mặc dù STEMM lâu nay vẫn luôn được mệnh danh là “lãnh thổ” của nam giới, nhưng điều đó không có nghĩa là nữ giới không giỏi ở các lĩnh vực này. “Rõ ràng là chúng ta cần nhiều phụ nữ tham gia hơn vào các ngành nghề này. Thách thức ở đây là làm thế nào để có nhiều cô gái trẻ quan tâm hơn đến STEMM. Từ góc độ giáo dục, có thể mở rộng các cơ hội học tập và tạo ra những bài học hấp dẫn bằng công nghệ, đồng thời đem lập trình đến gần hơn với mọi người và nâng cao sự tự tin của phái nữ bằng cách tôn vinh những tấm gương phụ nữ trong ngành”, cô Vân Anh chia sẻ. 

Cách tiếp cận như vậy cũng được nhấn mạnh trong chủ đề hướng tới đẩy mạnh đổi mới sáng tạo vì bình đẳng giới của ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.

Nữ giảng viên ngành Trí tuệ nhân tạo với ứng dụng AI vào chẩn đoán ung thư da - Ảnh 2.

Vân Anh (bên trái trong hình) tìm thấy niềm vui, sự cân bằng từ những sở thích đa đạng ngoài giờ làm việc, như yoga, chạy, đạp xe, bơi, vẽ và học ngoại ngữ. Ảnh: NVCC

Cô nói: “Nhiều người cho rằng quá trình làm nghiên cứu sinh là khoảng thời gian tuyệt vời trong đời vì bạn được nhận lương để nghiên cứu những thứ bạn đam mê. Và tôi hoàn toàn có thể cảm nhận sâu sắc điều đó với tư cách một nghiên cứu sinh học bổng. Điều khiến tôi cảm kích hơn nữa là cơ hội được tham gia giảng dạy. Qua đó, tôi có thể bồi đắp các kỹ năng quý báu đối với một giảng viên song song với công tác nghiên cứu.

Người ta thường nói một năm làm tiến sĩ tương đương với một năm tuổi mèo, nghĩa là sau mỗi năm làm nghiên cứu sinh, bạn sẽ trông già thêm 4 tuổi. Bản thân tôi cũng đang trong quá trình thử nghiệm lý thuyết đó. Đề tài nghiên cứu đa ngành mà tôi đang thực hiện đòi hỏi kiến thức vững chắc về khoa học máy tính và y học, và dường như đường cong lĩnh hội đang ngày càng dốc hơn. Tôi hy vọng rằng nếu có thêm nếp nhăn thì chỉ có thêm trên não chứ không phải trên gương mặt".

Khi được hỏi có lời khuyên gì dành cho những bạn nữ muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEMM, cô Vân Anh nói: “Nếu đó là điều bạn muốn thực hiện thì hãy hành động thôi. Kiến thức luôn rộng mở cho tất cả mọi người, thuộc mọi giới tính. Xã hội luôn cần lực lượng lao động đa dạng để đem đến những ý tưởng sáng tạo mới và những góc nhìn khác biệt. Điều quan trọng là đừng bao giờ để cảm giác hoang mang ngăn cản bản thân thử sức những điều mới mẻ.

Khoảng thời gian mới bắt đầu học tiến sĩ, tôi từng lo lắng rằng mình không có nền tảng kiến thức hay kỹ năng vững chắc, nhưng rồi tôi nhận ra rằng mình có thể tự học mọi thứ. Hãy mạnh dạn vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình vì bạn sẽ không bao giờ biết được mình có thể khám phá được điều thú vị gì đâu”.