"Nhức nhối" tình trạng học sinh bỏ học ở Kon Tum

Hoàng Lộc Thứ hai, ngày 06/03/2023 06:17 AM (GMT+7)
Ở huyện vùng cao Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), giáo viên không chỉ dạy học mà còn được phân công phụ trách các thôn/làng, nắm bắt hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, lặn lội đến từng nhà vận động những em bỏ học trở lại trường...
Bình luận 0

Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, giao thông đi lại khó khăn và có phần đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, sự nghiệp giáo dục tại địa phương này cũng còn nhiều gian nan, vất vả.

Chúng tôi có mặt tại trường Tiểu học Đăk Tờ Kan (xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) để tìm hiểu về việc dạy và học của cô trò nơi đây. Hơn 1 tháng sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, một số em học sinh vẫn chưa trở lại trường học.

"Nhức nhối" chuyện học sinh vùng cao ở Kon Tum nghỉ học - Ảnh 1.

Một tiết học tại trường Tiểu học Đăk Tờ Kan

Thầy Lê Anh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, tính từ sau Tết đã có 7 em học sinh của trường nghỉ học, tập trung chủ yếu ở 3 thôn gồm Kon H'Nông, Đăk Prông và Đăk Nông. Hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn, trong khi đó các bậc phụ huynh ít quan tâm đến việc học tập của con em và phó mặc cho thầy cô.

"Giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và chính quyền địa phương thường xuyên đến nhà để vận động, tuyên truyền các em ra lớp nhưng kết quả đạt được không cao. Lý do là bởi mỗi lần vận động, đến gia đình thì không gặp do các em bỏ đi chơi hoặc theo bố mẹ lên rẫy. Do vậy, việc vận động các em là điều không phải ngày một ngày hai làm được mà cả là một quá trình", thầy Sơn chia sẻ.

"Nhức nhối" chuyện học sinh vùng cao ở Kon Tum nghỉ học - Ảnh 2.

Việc các em học sinh nghỉ học ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tại địa phương

Theo chân giáo viên, chúng tôi đến nhà của em A Tiến, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan ở thôn Đăk Prông – 1 trong 7 học sinh của trường vừa nghỉ học. Bước vào căn nhà vách gỗ lụp xụp, chúng tôi thấy chả có gì đáng giá. Đúng lúc ấy, chúng tôi gặp chị Y Hiết (dì ruột của A Tiến) trở về nhà từ nương rẫy.

Hỏi chuyện chị Y Hiết, chúng tôi được biết, Tiến là con trai duy nhất trong gia đình. Mẹ của Tiến phải đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê-Út và em ở nhà với bố.

Cách đây 3 năm, bố của Tiến mắc bệnh nan y và sau đó đột ngột qua đời. Kể từ đó đến nay, Tiến sống chung với dì Hiết và bà ngoại năm nay đã gần 70 tuổi. Do vậy, chị Hiết trở thành trụ cột chính, vừa làm cha vừa làm mẹ để nuôi Tiến ăn học.

"Nhức nhối" chuyện học sinh vùng cao ở Kon Tum nghỉ học - Ảnh 3.

Thầy cô đến nhà để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của gia đình học sinh để từ đó tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp

"Tôi thì đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nhà nên cháu ở với bà ngoại. Cứ hở ra là Tiến theo đám bạn đi chơi xa nên gia đình không quán xuyến hết được", chị Hiết bộc bạch và cho biết thời gian tới, gia đình sẽ kiên trì vận động để Tiến quay trở lại trường học.

Theo thống kê của huyện Tu Mơ Rông, chỉ sau Tết đã có khoảng 30 em học sinh nghỉ học, tập trung chủ yếu ở hai xã Đăk Tờ Kan và Đăk Rơ Ông. Đây là con số cao nhất trong những năm trở lại đây.

Theo ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), qua rà soát thì có nhiều nguyên nhân khiến các em học sinh nghỉ học giữa chừng. Nguyên nhân thường xảy ra nhất là do đời sống kinh tế của gia đình khó khăn. Các gia đình ổn định về mặt kinh tế thì các em học sinh được đi học rất đầy đủ, gia đình quan tâm hơn vào việc học. Ngược lại, nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế, nhà đông con thì phụ huynh quan tâm hơn về cái ăn, cái mặc thay vì việc học tập của con em mình. 

"Nhức nhối" chuyện học sinh vùng cao ở Kon Tum nghỉ học - Ảnh 4.

Giáo viên đến nhà vận động phụ huynh cho con em trở lại trường học

Bên cạnh đó, thời điểm sau Tết trùng với mùa nương rẫy nên các em học sinh thường đi theo bố mẹ để phụ giúp công việc khiến tình trạng nghỉ học xảy ra. Ngoài ra, ham chơi, học lực kém đâm ra chán nản không muốn học nữa cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh nghỉ học.

"Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các trường với chính quyền địa phương trong việc huy động học sinh ra lớp nhằm hạn chế tình trạng nghỉ học; yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường học phân công cán bộ giáo viên phụ trách từng thôn/làng và phối hợp cùng thôn trưởng, già làng thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh gia đình học sinh để từ đó có những tác động cụ thể trong việc vận động các em đến lớp.

Đồng thời, huyện sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các em có điều kiện khó khăn tiếp tục đến lớp và hỗ trợ sinh kế để hỗ trợ các hộ nghèo ổn định cuộc sống, đảm bảo chăm lo cho con em có đủ điều kiện đến trường", ông Quang nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem