"Tôi đến với nghề như một cơ duyên bởi lúc đầu tôi không có ý định theo nghề sư phạm mà có ý định rẽ ngang sang nghề báo. Tuy nhiên mọi suy nghĩ của tôi thay đổi khi tôi kết thúc kỳ thực tập sư phạm tại Trường THPT Kim Liên. Được lên lớp, được sống cùng học trò trong từng bài giảng, được cùng khóc, cùng cười trong những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Tất cả điều đó đã khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và quyết định vững tâm bước tiếp trên con đường này", cô Phạm Thị Phương Nhung, sinh năm 1988, hiện là giáo viên bộ môn Ngữ văn, kiêm nhiệm bí thư Đoàn Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội tâm sự với PV báo Dân Việt.
Cô Nhung từng là học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh. Ngã rẽ nghề nghiệp đã giúp cô sau đó xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp đầu ra Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội và hiện tại là giáo viên kiêm bí thư Đoàn ở một trong những ngôi trường nổi tiếng về chất lượng đào tạo, điểm chuẩn vào lớp 10 luôn nằm trong top cao ở Hà Nội.
"Nếu nói là bí quyết có lẽ hơi to tát bởi tôi nghĩ mình chỉ là một con người bé nhỏ giữa biển học mênh mông. Nhìn lại quãng thời gian 4 năm đại học, tôi nghĩ điều khiến tôi không hối hận là đã luôn cố gắng học cách tư duy, quyết tâm nắm bắt cơ hội và nỗ lực sống trọn vẹn, chân thành với mọi việc mình đã làm", cô Nhung thổ lộ.
Chân thành, nỗ lực hết mình đã giúp cô mang về nhiều thành tích như giải Nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi Thành phố Hà Nội môn Ngữ văn năm học 2020 – 2021; Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên năm học 2021-2022; Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm học 2020–2021; 4 năm liên tiếp là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...
Cô Nhung vẫn luôn nhớ mãi cảm giác đầu tiên đứng trên bục giảng: "Ngoài sự hạnh phúc khi được trải nghiệm cảm giác của một giáo viên thì phần còn lại chắc chắn là run rồi. Tôi thực sự rất biết ơn cô giáo hướng dẫn và cảm ơn các bạn học sinh Kim Liên ngày ấy đã đón nhận và hợp tác cùng tôi...".
Với cô Nhung, nghề giáo là cuộc sống và là niềm vui mỗi ngày. Cô thích cảm giác đứng trên bục giảng và hạnh phúc khi được cùng học sinh lớn lên, trưởng thành qua những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.
Tuy nhiên, nghề giáo không chỉ có màu hồng mà có nhiều áp lực trong cuộc sống không ngừng biến đổi hiện nay. "Đó có thể là áp lực đến từ bên ngoài như sự kỳ vọng của xã hội, phụ huynh, học sinh. Đó cũng có thể là áp lực đến từ chính bản thân các cô phải không ngừng hoàn thiện, nỗ lực mỗi ngày. Đôi khi đó còn là áp lực của việc cân bằng giữa nhiều vai trò: giáo viên – bí thư Đoàn – một người vợ, người mẹ.
Tuy nhiên tôi nghĩ khó khăn chỉ là khó khăn khi bản thân mình không chuẩn bị, không chú tâm tìm hiểu và suy nghĩ về việc mình sẽ đối mặt với những khó khăn đó như thế nào. Tôi thích cách nghĩ và chuyển hóa áp lực trở thành động lực để tôi hoàn thiện hơn mỗi ngày", cô thổ lộ.
Chia sẻ về tranh cãi lương giáo viên thấp, cô Nhung thẳng thắn, đây là một thực tế khó có thể phủ nhận khi đồng lương của giáo viên chưa song hành kịp với nhu cầu phát triển của cuộc sống. Tuy nhiên trong thời gian gần đây cô Nhung nhận thấy đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống cho cán bộ giáo viên.
Giảng dạy ở ngôi trường nổi tiếng và là bí thư Đoàn, cô Nhung cho biết vừa là áp lực vừa là may mắn. "Công việc của tôi cho phép tôi được làm 2 việc một lúc: vừa làm công tác chuyên môn bộ môn Ngữ văn vừa tổ chức, điều hành các phong trào hoạt động đoàn thể cho học sinh. Tôi nhận thấy mình được tiếp xúc với nhiều đối tượng, thực hiện nhiều vai trò, nhờ đó cũng có cơ hội rèn thêm nhiều kỹ năng và trưởng thành hơn mỗi ngày. Đặc biệt khi triển khai tổ chức các hoạt động phong trào chính bản thân tôi cũng được học hỏi từ các đồng nghiệp và được tiếp lửa từ sức trẻ, sự sáng tạo của các bạn học sinh".
Nói về Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, cô Nhung thổ lộ: "Ngày 8/3 với tôi là một ngày hạnh phúc. Đây là dịp để tôi tri ân và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người phụ nữ quan trọng của cuộc đời mình. Đây cũng là dịp để tôi cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của gia đình, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh.
Ngày 8/3 còn là cơ hội để tôi nhìn thấy những đứa con mà mình dìu dắt biết dành sự quan tâm, yêu thương tới những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời của các con. Có lẽ bởi vậy tôi thường hay nói với các học trò của mình: "Cô tự hào và hạnh phúc khi được là một người phụ nữ".
Cô Nhung từng e ngại khi tham gia công tác Đoàn vì cô đã có gia đình, con nhỏ mà các hoạt động của Đoàn lại thường tổ chức vào ngày nghỉ, thường xuyên đi sớm về muộn. Cô sợ ảnh hưởng đến gia đình. Tuy nhiên cô cho biết thực sự may mắn khi có gia đình đặc biệt là chồng ủng hộ, thông cảm.
"Chúng tôi học cách chia sẻ công việc cùng nhau trong cuộc sống, nỗ lực tối ưu hóa thời gian và trân trọng mọi khoảnh khắc mà gia đình bên nhau. Tôi rất biết ơn gia đình mình vì điều đó", cô Nhung chia sẻ.
Được biết, hiện tại cô Nhung có hai con đang học lớp 1 và lớp 4. Con của cô được rèn thói quen tự lập từ khá sớm. Gia đình cô thống nhất quan điểm tôn trọng năng lực, cá tính của con. Bố mẹ đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt và tạo điều kiện để con phát huy được sở thích, sở trường của mình.