Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sở GDDT TP.HCM vừa tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2022-2023. Với môn Ngữ văn, thí sinh sẽ làm trong thời gian 120 phút với 2 câu hỏi.
Ngay sau khi thí sinh hoàn thành xong, bài thi đã được chia sẻ và nhận được nhiều phản hồi từ dư luận.
Theo đó, đề thi năm nay nêu rõ với chủ đề: Gọi đời vào trong chữ.
"Cuộc sống hôm nay đặt ra nhiều vấn đề khiến con người trăn trở, suy tư. Những con chữ sẽ giúp ta bày tỏ nghĩ suy của mình trước những vấn đề thời đại".
Câu 1 (8 điểm): "Tôi" với "Trí tuệ nhân tạo (ChatGPT, Robot…)"; Thể hiện bản thân; Phải – trái, đúng – sai; Khủng hoảng bản sắc; Khoảng cách thế hệ; Hội nhập toàn cầu; Lựa chọn nghề nghiệp; Áp lực đồng trang lứa".
Hãy lựa chọn một số từ ngữ trên, kết nối ý tưởng để tạo thành một vấn đề nghị luận mà anh/chị quan tâm. Viết bài văn bàn luận về vấn đề ấy.
Câu 2 (12 điểm):
"Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm – tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh "bông hồng vàng" của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ…".
Chủ đề Gọi đời vào trong chữ và ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa đời và chữ?
Nhiều giáo viên đã chia sẻ đề thi Văn này và bày tỏ hứng thú vì rất hay và tạo cảm hứng cho học sinh.
Nhận xét về đề thi trên, Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM cho hay: "Đề thi Văn năm nay có nhiều "đất" để thí sinh "diễn". Khả năng phân loại thí sinh khá cao, nhất là ở câu nghị luận xã hội.
Cách ra đề ở phần nghị luận xã hội cũng rất sáng tạo chứ không theo lối mòn. Những bạn càng quan tâm đến đời sống, càng có nhiều trăn trở, suy tư, phản tư về bản thân và về thế hệ mình sẽ có cơ hội thể hiện quan điểm một cách sâu sắc, giàu cảm xúc. Đề đòi hỏi thí sinh giỏi Văn không chỉ giỏi đọc sách hay biết những kiến thức cố hữu mà còn phải là những người biết nhập cuộc, biết trải nghiệm và không ngừng tư duy.
Với câu nghị luận văn học có vẻ khá dài dòng và hoa mỹ về cách diễn đạt. Nhưng quy về "mẫu chung" thì nội dung này liên quan đến một vấn đề quen thuộc của lý luận văn học, thường xuyên xuất hiện trong các đề thi học sinh giỏi: "Văn học bắt nguồn từ cuộc sống".
Mối quan hệ giữ "đời" và "chữ" cũng là một cách nói khác của mệnh đề lý luận trên. Thí sinh cần giải thích những khái niệm mang tính ẩn dụ trong đề, đặc biệt là cách diễn đạt "bụi vàng", "bông hồng vàng". Từ đó rút ra ý chung cần chứng minh. Để lập luận, thí sinh cần nắm vững nội dung của một số tác phẩm văn chương tiêu biểu, chỉ ra được chất "bụi vàng" được khai thác từ đâu và nhà văn đã tạo nên "bông hồng vàng" giá trị như thế nào. Các em nên dẫn chứng phong phú ở nhiều thể loại: truyện, tiểu thuyết, thơ... để củng cố minh chứng và lập luận của mình một cách vững vàng".
Theo cô Tuyền, nhìn chung đề lần này rất thú vị và nhiều cảm hứng. Đúng với chủ đề "Gọi đời vào trong chữ", văn chương là kết quả từ sự giao hoà giữa cuộc đời và ngôn ngữ, thí sinh không chỉ phải nắm vững lý luận văn học mà còn phải tự mình trải nghiệm hành trình giao hoà đó.
Chia sẻ thêm về xu hướng ra đề thi học sinh giỏi những năm gần đây, cô Tuyền đánh giá đề gắn liền với thực tế đời sống. Bên cạnh đó, đề cũng đánh giá khá cao những năng lực tư duy: tổng hợp, phân tích, phản biện... của thí sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.