Éo le chuyện trò nhìn thấy thầy cô là trốn, mới học lớp 9 đã nằng nặc đòi lấy "bạn ấy" làm chồng

Ngọc Giàu Thứ tư, ngày 08/03/2023 06:05 AM (GMT+7)
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk có hàng nghìn học sinh bỏ học giữa chừng. Có nhiều nguyên nhân như các em nghỉ học để đi làm, học nghề, thậm chí bỏ học để… lấy chồng.
Bình luận 0

Quyết tâm nghỉ học… lấy chồng

Dù thầy cô, chính quyền địa phương đã hàng chục lần vượt hàng chục cây số đến nhà vận động, nhưng không thể ngăn được quyết tâm nghỉ học để lấy chồng của em Giàng Thị D. (học sinh lớp 9 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu, huyện M'Đrắk, Đắk Lắk). Em D. nói, rất yêu và muốn lấy "bạn ấy" làm chồng. Sau này, chồng làm việc gì, D. sẽ làm việc đấy.

Trong hoạt động giáo dục hiện nay, các thầy cô giáo thường triển khai các chuyên đề nói về tình bạn, tình yêu nhằm định hướng tư tưởng cho các em. Tuy nhiên vẫn có trường hợp theo phong tục tập quán, lập gia đình sớm.

Thầy Nguyễn Văn Kiên, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu, chia sẻ: "Khi các em muốn nghỉ học, nhất là nghỉ học để lập gia đình, thì việc vận động của thầy cô rất khó khăn. Bởi ở trường, có rất đông học sinh người Mông, khi các em yêu tiến tới hôn nhân rất khó khuyên ngăn vì liên quan đến phong tục tập quán.

Học sinh nghỉ học để lấy chồng, đi làm - Ảnh 2.

Các thầy cô phải đi vận động vào ban đêm cho học sinh khỏi trốn. Ảnh: TCCC

Nhiều thầy cô giáo đi vận động học sinh quay lại trường chia sẻ, gặp nhiều trường hợp bố mẹ mải lo làm ăn, ít quan tâm đến việc học của con. Khi các thầy cô đến nhà, họ không biết con mình làm gì, đi đâu khiến thầy cô khó tiếp cận để vận động. Có lúc 12 giờ trưa, thầy cô đến vận động học sinh đi học lại nhưng không gặp được phụ huynh hay học sinh. Thậm chí có trường hợp học sinh chạy trốn khi thấy giáo viên đến nhà… Do đó, các thầy cô phải đi vào ban đêm cho học sinh khỏi trốn, hết sức vất vả, song tỉ lệ học sinh quay lại trường rất thấp.

Năm học 2022-2023, tại Trường THCS Hòa Phong (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) có 2 trường hợp học sinh bỏ học lấy chồng, đó là em Vừ Thị K. (SN 2006) và em Hoàng Thị O. (SN 2009).

"Làn sóng" bỏ học đi lao động tự do

Ngoài tảo hôn, có nhiều em học sinh dân tộc thiểu số bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu sự quan tâm của gia đình, nghỉ học đi làm kiếm tiền.

Thầy Nguyễn Văn Nhân – Hiệu trưởng THCS Hoà Phong cho hay, năm học này trường có 601 học sinh, trong đó 429 em người dân tộc thiểu số. Trường có 1 điểm trường cách điểm chính 8 cây số, với 226 học sinh là người Mông (dân di cư ngoài kế hoạch). Đây là điểm cách xa trung tâm nên tỉ lệ học sinh bỏ học rất lớn. Dịp Tết vừa qua, nhiều học sinh của trường bỏ học, phần lớn vào TP.Hồ Chí Minh lao động tự do.

Éo le chuyện trò nhìn thấy thầy cô là trốn, mới học lớp 9 đã nằng nặc đòi lấy "bạn ấy" làm chồng  - Ảnh 2.

Thầy cô giáo đến nhà vận động học sinh bỏ học ra lớp. Ảnh: TCCC

Theo thống kê của trường, trong năm học 2022-2023, toàn trường có 23 học bỏ học (trong đó 2 em đi lấy chồng, còn lại do học yếu, nghỉ học vào TP.Hồ Chí Minh làm). Sau đó, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động, đến nay có 6 em quay lại trường. Những em này, trường đã có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức bù vào thời gian các em bỏ học; hội khuyến học tặng học bổng; các tổ chức đoàn thể tặng xe đạp... để các em tiếp tục học tập.

Còn tính từ năm 2017-2022, toàn trường có 78 học sinh bỏ học. Hiệu trưởng THCS Hoà Phong nói thêm, ngay đầu năm, nhà trường đưa vào Nghị quyết, quy định hồ sơ cho giáo viên bảo vệ sĩ số. Trường cũng thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống học sinh bỏ học, trong đó hiệu trưởng là trưởng ban. Khi có tình trạng học sinh bỏ học, trường sẽ báo với Đảng ủy, UBND, Đoàn Thanh niên, công an địa phương cùng giáo viên đi vận động học sinh đi học trở lại.

Thời gian qua, tại tỉnh Đắk Nông cũng có tình trạng học sinh bỏ học. Tại Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông), nhiều học sinh bỏ học xuống TP.Hồ Chí Minh làm công nhân may. Ngay sau đó nhà trường, chính quyền địa phương, các đoàn thể, công an vào cuộc vận động, tuyên truyền các em quay về đi học. Trước tình trạng trên, mới đây bà Tôn Thị Ngọc Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành văn bản về việc thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tham gia lao động trái quy định.

Éo le chuyện trò nhìn thấy thầy cô là trốn, mới học lớp 9 đã nằng nặc đòi lấy "bạn ấy" làm chồng  - Ảnh 3.

Ngoài tảo hôn, có nhiều em học sinh dân tộc thiểu số bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu sự quan tâm của gia đình, nghỉ học đi làm kiếm tiền. Ảnh: TCCC

Thống kê của ngành giáo dục Đắk Nông, chỉ tính hệ công lập, năm học 2020-2021 toàn tỉnh có 520 học sinh bỏ học, sang năm học 2021-2022, con số này lên tới 634. Đa số học sinh bỏ học rơi vào bậc THCS. Tình trạng học sinh bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân, diễn ra phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số...

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông, vấn đề học sinh bỏ học giữa chừng, tham gia lao động sớm, trái quy định, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển về thể chất và tinh thần, cản trở việc tiếp cận giáo dục của trẻ em; tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem