Cô gái 9X Lê Thị Diệp Anh (xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) phát triển sản phẩm OCOP từ rau diếp cá, lá tía tô. Video: Mạnh Thuần.
Cô gái trẻ Lê Thị Diệp Anh (SN 1996, trú tại khu Đồng Tiến, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) vốn là cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh trường Đại học Thương mại. Dù nhiều cơ hội làm việc ở thủ đô Hà Nội với mức lương hấp dẫn, nhưng Diệp Anh vẫn quyết tâm về quê hương, vận dụng những kiến thức học được để khởi nghiệp từ diếp cá, tía tô.
Diệp Anh chia sẻ, từ khi là sinh viên, cô đã thử sức làm thêm một số công việc, trong đó có việc bán hàng online. Qua công việc làm thêm, Diệp Anh đã phát hiện ra xu hướng khách hàng ngày càng yêu thích các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Từ đó, Diệp Anh càng quan tâm, vừa học tập vừa mày mò nghiên cứu, tìm hiểu về cây diếp cá, cây tía tô để làm ra dòng sản phẩm trà thảo dược.
Hơn nữa, Diệp Anh nhận ra, những người thân quen, bạn bè xung quanh đều đang mua sản phẩm trà thảo dược có xuất xứ từ Nhật về dùng, trong khi diếp cá, tía tô, rau má… trồng ở Việt Nam rất nhiều.
"Ở ngay xã mình sống, nhiều bà con trồng diếp cá, tía tô nhưng chỉ bán lẻ ở chợ cho những người có nhu cầu hoặc các nhà hàng mua làm rau sống ăn kèm thức ăn. Lượng tiêu thụ ít, trong khi cây dễ trồng, mọc dày, nhanh, xanh tốt quanh năm. Thế là tốt nghiệp xong đại học, mình quyết tâm trở về quê hương khởi nghiệp sản xuất trà thảo dược với nguyên liệu chính là diếp cá, tía tô, lá dứa nếp, cỏ ngọt" - Diệp Anh nói.
Trở về quê, lại được sự ủng hộ của gia đình, Diệp Anh đã thành lập Công ty cổ phần Holy-H Group (xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê) chuyên sản xuất trà thảo dược vào tháng 2/2021.
Để sản xuất trà thảo dược, Diệp Anh đã đầu tư toàn bộ vốn vào xây dựng vườn nguyên liệu với diện tích hơn 2.000m2 trồng cây diếp cá, tía tô, cỏ mã đề, cỏ ngọt, cây lá nếp... Đồng thời, Diệp Anh còn đưa hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại vào sản xuất trà thảo dược với quy trình 6 bước: Thu hoạch nguyên liệu, sơ chế, sao/sấy nguyên liệu, nghiền nguyên liệu, đóng túi lọc, đóng gói hoàn thiện sản phẩm.
Để làm được loại trà thơm ngon, Diệp Anh đã nghiên cứu tìm tòi, pha chế để trà không có vị chua, không có mùi tanh của cây diếp cá hay vị hăng của tía tô. Đặc biệt, Diệp Anh còn tận dụng công nghệ sao, kết hợp sấy lò hơi nhiệt hấp, giúp sản phẩm giữ được chất dinh dưỡng và hương vị riêng biệt.
Sản phẩm trà thảo dược có mẫu mã bắt mắt, dạng trà túi lọc tiện lợi nên nhanh chóng nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng, tỉ lệ mua lại sản phẩm sau khi dùng lần đầu rất cao.
Theo Diệp Anh, đến nay cơ sở sản xuất đã phải tăng nguồn thu mua nguyên liệu từ của người dân cũng như tăng sản lượng sản xuất hằng ngày để phục vụ nhu cầu khách hàng. Sau hơn 2 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Holy-H Group đã đưa ra thị trường hàng nghìn hộp trà thảo dược.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương với mức hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, công ty còn thu mua nguyên liệu là tía tô, diếp cá cho nông dân tại địa phương.
Đặc biệt hơn cả là các sản phẩm của công ty đều tham gia chương trình OCOP của tỉnh Phú Thọ. Cụ thể, năm 2021, sản phẩm trà diếp cá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; năm 2022, sản phẩm trà tía tô đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Diệp Anh xác định, ứng dụng tiện ích từ nền tảng công nghệ, mạng xã hội, kênh bán hàng chủ yếu của công ty là qua mạng online, sàn thương mại điện tử và phân phối vào hệ thống siêu thị, nhà thuốc trên toàn quốc.
Việc tham gia chương trình OCOP đã giúp Diệp Anh đưa sản phẩm của công ty đến đến tận tay người tiêu dùng và ngày càng được nhiều người biết đến. Sản phẩm trà thảo dược của Diệp Anh hiện còn có mặt trong các hội nghị trưng bày, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương với các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Nhìn vào những thành quả của ngày hôm nay, ít ai biết Diệp Anh cùng các thành viên công ty đã trải qua rất nhiều khó khăn.
Theo Diệp Anh, khi bắt đầu thành lập công ty, tuy nguồn nguyên liệu khá dồi dào, ý tưởng cũng đầy khả quan, nhưng bắt tay vào làm mới thấy bộ máy quản lý còn thiếu kinh nghiệm thực tế cả trong quản lý tổ chức sản xuất và điều hành. Chiến lược phát triển mới chỉ trong ngắn hạn, những chiến lược dài hạn còn chưa định hình đầy đủ, chưa xác định rõ được đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với đó, nguồn vốn hoạt động sản xuất hạn chế dẫn tới khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Mặt khác, dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn cơ hội xúc tiến thương mại đến các thị trường.
"Đích đến là thị trường tiềm năng về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, làm đẹp có nguồn gốc tự nhiên ngày càng cao, nên tôi quyết không bỏ cuộc giữa chừng" - Diệp Anh nói về khó khăn lúc bắt đầu khởi nghiệp.
Diệp Anh cho biết thêm, để sản phẩm làm ra tạo ấn tượng, thu hút khách hàng, cô gái trẻ còn chú trọng đẩy mạnh đưa dây chuyền sản xuất hiện đại, đầu tư thiết kế tem nhãn, bao bì sản phẩm đẹp, thân thiện với môi trường.
"Để cơ sở sản xuất của mình ngày càng phát triển, nâng sao cho các sản phẩm OCOP, tôi mong muốn được các cấp, các ngành hỗ trợ về vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời mong các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm sâu rộng hơn nữa" - Diệp Anh nói.
Bà Hoàng Thị Gấm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cẩm Khê đánh giá, các sản phẩm của chị Diệp Anh đã sử dụng nguồn nguyên liệu từ bản địa của quê hương, cộng thêm ứng dụng công nghệ trong trồng, chế biến, sản xuất, tiêu thụ đã làm gia tăng giá trị cho sản phẩm nói riêng, cho nông sản địa phương nói chung.
"Trong thời gian tới, thực hiện 'Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 2017-2025', chúng tôi sẽ hỗ trợ chị Diệp Anh về nguồn vốn vay để mở rộng cơ sở sản xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chính sách hỗ trợ hội viên khởi nghiệp sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu tại quê hương" - bà Gấm nói.