Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Rau dền cơm thường có 2 loại, dền cơm dại và dền nhà. Nhưng tôi vẫn thích ăn rau dền cơm dại hơn cả vì vị ngọt, bùi, đậm hương vị đồng quê...
Quê tôi là một thung lũng nhỏ nằm dưới chân núi Ba Vì, ngay ven sông Đà, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội). Vào mùa này, các loài rau dại như rau dền cơm, rau sam, rau diệu, tầm bóp đua nhau mọc non mơn mởn ở góc vườn, bờ sông, hoặc mọc lẫn trong các luống rau cải, ruộng ngô, khoai...
Trong đó rau dền cơm là một loài rau dại khá phổ biến, chỉ cần ra vườn một lúc là hái được đầy rổ. Điều đặc biệt là rau dền cơm tự mọc, tự lớn, nhưng ăn rất ngon vì mềm, ngọt. Rau dền cơm nấu canh cua, nấu với tôm hay chỉ đơn giản là luộc, xào tỏi đều hợp vô cùng.
Mỗi lần từ thành phố về quê, có thời gian tôi lại ra vườn hái rau dền cơm dại. Thường thì tôi hay luộc rau dền cơm vì nhanh gọn, chấm với mắm tỏi ớt băm nhuyễn, hoặc chấm tương, xì dầu cũng rất hợp. Món rau dền cơm luộc chỉ cần rửa sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi, chút xíu là phải vớt ra. Bạn không nên để dền cơm chín quá ăn sẽ nhão, không ngon.
Còn nếu nấu với tôm khô, hoặc thịt xay thì "ngon thôi rồi". Rau dền cơm rửa sạch; tôm khô ngâm nước cho mềm rồi băm nhỏ. Phi hành với một chút mỡ lợn cho thơm, đổ tôm vào xào nhanh tay, sau đó cho thêm nước lạnh tuỳ lượng rau, đun sôi rồi cho rau dền cơm vào, nêm chút gia vị. Chỉ cần đợi nồi canh sôi lại một chút là tắt bếp, được bát canh nóng hổi, ngọt lịm.
Nếu hôm nào có ít rau dền cơm quá không đủ bữa, thì tôi sẽ hái thêm rau sam, rau dền gai, rau diệu, tầm bóp, ngọn khoai..., làm thành bát canh rau tập tàng.
Không cần bỏ thêm mì chính, nhưng bát canh rau tập tàng "thập cẩm" này vẫn rất mềm ngọt, ăn vào thấy khoẻ cả người.
Theo Đông y, dền cơm còn là một loại rau quý vì nhiều dược tính. Dền cơm có vị ngọt nhạt, tính mát hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, chỉ huyết… có tác dụng thanh nhiệt khu thấp, thu liễm, chỉ tả. Thường dùng chữa chứng nóng nhiệt, táo bón, trị lỵ trực trùng và viêm trường vị cấp và mạn tính, đau họng, đau mắt đỏ, chảy máu cam.
Hôm nọ tôi đi chợ sớm ở khu vực Văn Quán (quận Hà Đông), tình cờ gặp một chị tiểu thương bán các loại rau quả, trong đó có 1 rổ dền cơm to. Nhớ bát canh rau dền cơm ở quê nên tôi hỏi mua mà không khỏi giật mình vì giá loài rau dại này không hề rẻ, 50.000 đồng/kg.
Chị tiểu thương vui vẻ cười bảo: "Không cần mua cả kg, 5 lạng là được bát canh ngon rồi. Cô mà không mua nhanh thì tí nữa tôi chả còn cọng nào để bán nữa đâu. Rau dại nên cách vài hôm tôi mới có bán, nhiều người còn dặn hễ có rau là để phần cho họ".
Quả thật, tôi đứng hỏi han chị vài câu mà không biết từ lúc nào đã có 2 người phụ nữ ngồi xuống chia nhau mua hết cả rổ rau. Qua câu chuyện của chị với khách, mớ rau dền dại này chị mới hái ở bờ ao nhà lúc sáng sớm. Quê chị ở dưới Chương Mỹ, cứ lúc nào vườn nhà có rau củ bán là chị lại thu hoạch mang lên chợ dân sinh ở khu vực Văn Quán để bán cho được giá.
Chị bảo, trước đây dền dại, rau tầm bóp, rau diệu mọc lẫn vào luống rau cải hay ruộng ngô, người ta phải nhổ bỏ, hoặc chỉ hái cho lợn ăn. Nhưng bây giờ thì rau dại lại hái ra tiền.
Chị tiểu thương nói thêm: "Người thành phố bây giờ thường xuyên ăn nhiều món ngon, rồi ăn nhậu mãi cũng chán nên lại thích những gì dân dã, đồng quê. Dền cơm hay mấy loài rau dại tôi bán chạy hơn tôm tươi, vì rau mọc tự nhiên không ai chăm bón nên rất sạch. Khách quen hay mua nhiều bỏ tủ lạnh ăn dần, hoặc ăn với lẩu riêu cua bắp bò, xào tỏi... Nhất là mùa hè mà bữa cơm có món canh cua rau dền với bát cà muối chua giòn tan thì còn gì bằng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.