Bạn đã từng nghe đến địa danh Bình Dương vang dội từ thời kháng chiến đến thời hoà bình?
Đó là tên một xã ở tận cùng vùng cát ven biển phía đông huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Nơi đây thời chiến tranh đã là một vùng chiến trường ác liệt, nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, đến mức một câu hỏi đã phải đặt ra trong hoàn cảnh đó là Bình Dương liệu có còn tồn tại được không, Bình Dương liệu tồn tại bằng cách nào để người có thể sống, bám trụ, chống trả được kẻ thù.
VƯỜN MẸ
Nhiều tác giả
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 502 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 225.000đ
Bình Dương! Một xã có 7869 dân thì đã có 4700 người ngã xuống dưới bom đạn, như ở trận càn tháng 6/1968 tại vùng biển thôn Sáu kẻ thù đã giết chết một lúc 42 người, như trận máy bay B57 ném 50 quả bom toạ độ xuống Bàu Bính ("căn cứ lõm" của xã) đã làm 83 cán bộ, bộ đội, du kích, đội công tác và người dân bám trụ hy sinh. Một xã có 1347 liệt sĩ, 5 anh hùng liệt sĩ vũ trang, và gần 400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một xã đã ba lần được phong danh hiệu đơn vị anh hùng (năm 1969 và 1972 là Anh hùng Lực lượng Vũ trang, 1983 là Anh hùng Lao động). Bạn có thể đọc bài bút ký dài nhan đề "Cát cháy" nhà văn Nguyên Ngọc viết năm 1998 trong sách "Bình Dương vùng đất anh hùng" (in cùng lúc với cuốn này) để biết Bình Dương là thế nào. Cũng trong sách đó bạn có thể đọc bài thơ "Cát" của nhà thơ ý Nhi viết năm 1983 để thấu cảm sự hy sinh lớn lao của người dân Bình Dương.
Chiến tranh đã đi qua gần năm mươi năm. Hoà bình đã đem lại cho Bình Dương bộ mặt mới của cảnh quan, cuộc sống mới của con người. Bây giờ về Bình Dương ngay cả những người từng bám trụ sống và chiến đấu ở đó những tháng ngày ác liệt, máu lửa của chiến tranh cũng khó nhận ra dấu vết của một thời. Dấu vết trên đất đai, vườn tược, nỗng cát đã không còn. Ngay cả dấu vết trong tâm trí con người cũng nhoà đi theo thời gian khi lớp người cũ ngày trước lần lượt rời xa nhân thế. Nói chi đến lớp người trẻ, người mới sinh ra sau chiến tranh và những người khách từ nơi khác đến Bình Dương, nghe chuyện ngày qua mà chẳng thể hình dung trên thực địa.
Hiển nhiên là quá khứ đau thương mất mát không thể quên nhưng cũng không để trì níu cuộc sống hiện tại. Hiển nhiên đất đai trải qua chiến tranh bị biến thành đất chết phải được hồi sinh, phải được vun trồng sinh sôi hoa trái. Như cây Dương thần đã trở thành huyền thoại của Bình Dương ngày trước. "Như một huyền thoại, nó đã đứng đó, sừng sững, ngang ngạnh, kỳ lại, suốt cuộc chiến tranh, bất chấp tất cả, tất cả… Rồi, cũng đúng như trong một huyền thoại, cũng như nhân dân vốn bao giờ cũng vô danh, nó biến mất, lặng lẽ, âm thầm, khi chiến tranh đã đi qua, cuộc chiến đấu sinh tử trên mảnh đất kỳ lạ mà bình dị này đã kết thúc, đã hoàn thành. Khi màu xanh vĩnh cửu trên đất đai của con người đã được khôi phục. Nó lặn đi, biến mất trong màu xanh bất tận của cuộc đời…" (Nguyên Ngọc).
Tuy nhiên, lịch sử có thể thản nhiên trong im lặng, nhưng ký ức về lịch sử thì sống động truyền đời. Một mảnh đất đặc biệt đau thương bi tráng hào hùng như Bình Dương thì cách lưu giữ ký ức cho hôm nay và mai sau cũng phải đặc biệt theo cách Bình Dương. Cách đó là tạo lập một không gian mang tên Vườn Mẹ. Đó sẽ là "một công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, sẽ trở thành di tích của một vùng đất, một quê hương, nhằm bảo tồn và vinh danh công ơn trời bể của lớp lớp ông cha từ bao thế hệ, của những người mẹ anh hùng đã góp công sức, mồ hôi, xương máu để có cuộc sống an lành như ngày hôm nay" (tr. 31).
Người khởi xướng đưa ra ý tưởng Vườn Mẹ là Phan Đức Nhạn, một người con của Bình Dương đã gắn bó từ nhỏ với quê hương, đã từng làm A trưởng thiếu sinh quân Bình Dương từ 1967. Nhà văn, anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong trong những trang viết để lại viết ngay tại Bình Dương đã có nhắc đến cậu bé Nhạn cùng gia đình. Mang trong mình truyền thống của quê hương, gia đình, từ sau ngày hoà bình lập lại Phan Đức Nhạn đã đau đáu món nợ với mảnh đất chôn nhau cắt rốn mà anh thấy mình phải trả nợ bằng tình cảm thực sự sâu nặng, phải đền ơn đáp nghĩa một cách thực sự sâu sắc. Khi tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng anh đã từ chối lời mời ở lại Đà Nẵng để về làm việc ở Quảng Nam.
Trong các cương vị công tác của mình (Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Đại biểu Quốc Hội) anh đã nghĩ tới một ngày sẽ làm một việc có ý nghĩa nhân văn – tâm linh đối với Bình Dương. Nhất là khi mà đất đai ở đâu cũng lên cơn sốt, cũng bị biến thành các dự án kinh tế. Bình Dương vùng đất anh hùng cũng không ngoại lệ. Có thể sự huỷ hoại của con người còn khủng khiếp hơn sự xói mòn của thời gian, đến một ngày Bình Dương sẽ có nguy cơ bị "trơ bình địa" mất hết những dấu tích lịch sử. Nghĩ vậy nên Phan Đức Nhạn bắt đầu hối thúc triển khai ý tưởng Vườn Mẹ bằng cách lên kế hoạch, dự kiến công trình, trình bày với các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương, mời mọi người thuộc nhiều ngành nghề chuyên môn về Bình Dương để thấy tận mắt vùng đất và đóng góp ý kiến.
Các bài viết trong cuốn sách này là những hồi ức kỷ niệm về Bình Dương hôm qua và những suy nghĩ đóng góp cho Bình Dương hôm nay, đặc biệt là về công trình Vườn Mẹ. Nhiều lãnh đạo cao cấp, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã chia sẻ và ủng hộ ý tưởng Vườn Mẹ của Phan Đức Nhạn. Ngày 24/3/2023 tại Hà Nội, hai cuốn sách "Bình Dương vùng đất anh hùng" và "Vườn Mẹ" sẽ được ra mắt bạn đọc để kết nối những tấm lòng yêu thương, kính trọng người và đất Bình Dương anh hùng.
Tại sao lại là Vườn Mẹ? Tên gọi này Phan Đức Nhạn đưa ra trước hết là từ sự hy sinh vô bờ bến của những người mẹ người chị đã đổ máu trên đất Bình Dương trong cuộc chiến đấu với quân thù. Quảng Nam là địa phương có nhiều mẹ liệt sĩ nhất cả nước. Tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lớn nhất, tiêu biểu nhất là đặt tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh lị của Quảng Nam. Trong Quảng Nam thì Bình Dương lại là tiêu điểm của tiêu điểm về sự hy sinh của những người phụ nữ anh hùng, bất khuất. Nhưng Vườn Mẹ còn mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử - văn hoá. Mọi con người đều sinh ra từ Mẹ và sống trên Đất Mẹ, trong sự chở che yêu thương của Mẹ. Vườn Mẹ là nơi Mẹ chở che đàn con và là nơi đàn con vun trồng những hạt giống Mẹ truyền trao. Vườn Mẹ xanh tươi là sức sống bất diệt, là lịch sử tiếp nối, là ký ức dài lâu, là tình thương phủ khắp. Mẹ không muốn chiến tranh gây chết chóc đau thương. Mẹ chỉ muốn hoà bình cho sự sinh sôi nảy nở muôn loài. Vườn Mẹ vì thế một khi được thành hình và phát triển sẽ không chỉ và không hẳn là lối về quá khứ đằng sau, mà chính là lối tới tương lai phía trước. Một Vườn Mẹ ở Bình Dương có thể gợi mở cho nhiều Vườn Mẹ ở những nơi khác, ở đâu quá khứ cần và phải được sống cho hiện tại và tương lai.
Vâng, tương lai, như trong bài thơ có tên "Sắc xanh Vườn Mẹ" của chính Phan Đức Nhạn với hai câu kết:
Hoa vẫn nở ngát hương vườn mẹ
Cát đã thắm màu trong sắc biển xanh
Đến Bình Dương hôm nay ta đã thấy cát đúng như trong câu thơ cuối. Nhưng "Hoa vẫn nở ngát hương vườn mẹ" thì đấy chỉ đang là ước nguyện, khao khát tột cùng trong tâm tưởng của Phan Đức Nhạn mà anh đang rất mong mỏi được biến thành hiện thực. Bốn giai đoạn của Vườn Mẹ thì nay anh và ban tư vấn đang ở bước đầu là "nêu ý tưởng, tập hợp thông tin để xây dựng nội hàm Vườn Mẹ". Bạn đọc tập bút ký "Vườn Mẹ" cũng là đang nhập cuộc với Phan Đức Nhạn và người dân Bình Dương và những người đồng tâm nguyện trên hành trình tạo lập và hướng về một Vườn Mẹ - không gian lịch sử sống.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 8/3/2023