Đây là cuốn sách viết về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nổ ra đầu năm 1979. Tác giả Nguyễn Thái Long là một người lính của Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa – Khau Chỉa), đơn vị đã xông trận ngay khi cuộc chiến nổ ra ngày 17/2/1979, đã bám trụ mười hai ngày đêm đầu tiên trên đèo Khau Chỉa, đã chiến đấu gần một tháng trên mặt trận Cao Bằng những ngày sau đó, và đến năm 1985 đã chi viện cho mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) chống trả quân xâm lược, giữ vững từng tấc đất của tổ quốc.
Hồi đó, Nguyễn Thái Long là y sĩ thuộc tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 567. Gom góp, tập hợp kinh nghiệm của cá nhân mình và của các anh em đồng đội, ông đã viết nên cuốn sách này. Cuốn sách được gợi ra từ những đêm trắng 17/2 hàng năm những người cựu chiến binh còn sống nhớ về các đồng đội đã ngã xuống. Đặc biệt từ cái đêm trắng 17/2/2019, dịp kỷ niệm 40 năm quân bành trướng Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam, họ trở lại chiến trường xưa ngậm ngùi như mang món nợ với vong linh những người đã khuất. Đến cả một tấm kỷ niệm chương có ghi dòng chữ "Chiến thắng Biên giới" do các cựu chiến binh Trung đoàn 567 đã làm ra nhân dịp 40 năm cuộc chiến mà họ cũng không được phát, được đeo. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên biên giới phía Bắc những năm tháng ấy là đại nghĩa, mà sao để kể lại, nhớ lại vẫn khó khăn đến vậy!
Tác giả: Nguyễn Thái Long
Nhã Nam & Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2022
Số trang: 369 (khổ 14x20,5cm)
Số lượng: 2500
Giá bán: 179.000đ
"Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" vì vậy là để nhắc nhở một quá khứ, một lịch sử không thể quên, không được phép quên. "Nhưng nếu không viết ra, tôi như người mắc nợ các anh em đồng đội của mình, mắc nợ nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu, và có lỗi với con cháu mình vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm đẫm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567." – tác giả viết trong "Thay lời tựa" (tr. 20). Tiếng vọng truyền từ ngày qua đến ngày nay và cả ngày sau để lịch sử không bị chìm khuất, hẫng hụt và bỏ trống.
Đó là tiếng vọng từ những trận đánh ác liệt của Trung đoàn 567 ngay những ngày đầu chiến tranh trên đèo Khau Chỉa – Tà Lùng. Trong hoàn cảnh bị bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung vào lúc sáng sớm 17/2/1979, quân địch dùng chiến thuật "biển người" với trang bị vũ khí áp đảo, trong khi các đơn vị ta đang từ nhiệm vụ làm kinh tế vừa chuyển sang nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vũ khí không được trang bị đầy đủ, nhưng Trung đoàn 567 cũng như các đơn vị quân đội ta hồi đó đã kiên cường đánh trả quyết liệt quân bành trướng xâm lược. Những người lính của Trung đoàn đã bám trụ ở các chốt điểm trên đèo, đã chặn đánh xe tăng địch, đã phục kích ở các bản làng, đã quyết chiến trên các cao điểm. Hành động của pháo thủ Hồ Tuấn ghì chặt lấy khẩu 14 ly 5 bắn đến đỏ cháy nòng trên cao điểm 300, đẩy lui nhiều đợt xung phong của địch, đến khi hết đạn buộc phải rời vị trí đã gài bốn quả lựu đạn cho nổ phá huỷ khẩu pháo, không để rơi vào tay quân thù, là một hình ảnh bi tráng, lẫm liệt, đúng tinh thần truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Và trận chiến đánh chiếm và giữ vững đỉnh đồi A6b ở Vị Xuyên (31/5/1985) đã trở thành một chiến thắng lịch sử của Trung đoàn 567, "một chiến thắng bản lề vô cùng quan trọng làm thay đổi cục diện mặt trận Vị Xuyên" ngày đó. Mặc kẻ thù điên cuồng lồng lộn tìm đủ mọi cách chiếm lại, đồi A6b vẫn được các chiến sĩ Trung đoàn 567 giữ vững cho đến khi ngưng chiến ở mặt trận Vị Xuyên cuối năm 1989.
Đó là tiếng vọng từ những đau thương hy sinh, mất mát của những người lính Trung đoàn 567 và của những người dân Cao Bằng. Những người lính đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, sẵn sàng chia đôi cái chết với quân giặc. Những người dân sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, chia sẻ cái ăn cái uống cho người lính. Cái chết của cô giáo mầm non và hai cô học sinh cấp 3 tự nguyện đến giúp đỡ thương binh trong hang Keng Riềng bị giặc phóng hoả gây nỗi đau đớn, thương xót, nhưng nó cũng nói lên tình cảm quân dân là một tình cảm quý báu của quân đội ta. Truyền thống đó quân đội cần phải gìn giữ, bồi đắp và phát huy dù trong bất cứ tình huống nào. Hoa gạo biên cương từ đây không chỉ đỏ màu hoa mộc miên mà còn đỏ bầm màu máu người lính, người dân ngã xuống.
Đó là tiếng vọng từ những phận người của người lính trong và sau chiến tranh. Trung đoàn 567 chỉ có một người duy nhất được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Nhưng hàng trăm chiến sĩ của Trung đoàn ngã xuống vẫn còn chờ có nơi hương khói phụng thờ. Và còn những người lính sống sót trở về không đeo huân chương trên ngực. Có người không được ghi công. Có người được đề nghị khen thưởng nhưng chờ mãi không thấy. Có người thấy mình còn sống được là may mắn so với bao đồng đội đã hy sinh. Nhưng họ đã có tấm huân chương cao nhất trong lòng người – đó là tấm huân chương "chiến đấu vì danh dự" của Tổ quốc, quê hương, của nhân dân, của chính mình. Không ai muốn có chiến tranh nổ ra để xông trận đánh nhau được thưởng huân chương. Nhưng một khi chiến tranh chẳng đặng đừng thì đó là lịch sử. "Chỉ có điều lịch sử phải được tôn trọng, nhìn nhận đúng như sự thật vốn có. Không bao giờ chúng ta được phép quên đi hoặc quay lưng lại lịch sử, nhất là những trang sử thấm đẫm máu đào người chiến sĩ Việt Nam. Như lời con trai người lính Vị Xuyên đã an ủi cha mình, huân chương nào bằng huân chương trong lòng dân. Trong lòng dân, lịch sử sẽ trường tồn" (tr. 358) – tác giả nhắn nhủ.
Nhưng để lịch sử trường tồn thì nó phải được ghi nhớ. Và để được ghi nhớ thì nó phải được viết ra một cách trung thực, lương thiện. Anh lính quân y Nguyễn Thái Long 24 tuổi, năm 1979 sau khi rời quân ngũ (1987) đã đi học thành bác sĩ chuyên ngành tâm thần và đã từng là Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông bác sĩ không nghĩ mình viết văn, viết báo kể chuyện đời mình. Chỉ là ký ức chiến trận biên giới phía Bắc 1979 vẫn quẫy lộn trong ông, không cho ông yên ổn tâm thần.
Ông viết trước hết để ghi lại những gì mình đã trải, đã sống trực tiếp từ những ngày ấy. Viết chật vật, khó khăn, nhưng không thể không viết. Viết chuyện mình rồi viết chuyện các đồng đội mình được nghe kể lại, được cung cấp tư liệu, thông tin. Viết theo lối kể chuyện cụ thể từng người, từng trận đánh, từng ngày tháng, có trùng lặp cũng là để nhớ hơn. Cứ thế, từ những ghi chép tản mạn của người lính hôm qua – bác sĩ hôm nay, bản thảo của Nguyễn Thái Long đã thành hình một cuốn sách nhờ sự giúp đỡ biên tập thêm của người trong nghề viết. Để bây giờ chúng ta có cuốn sách "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" viết đầy những sự thực chiến đấu của Trung đoàn 567 trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 tại Cao Bằng, Hà Giang, đầy xúc động, và cũng đầy ý nghĩa.
Đây là "ký ức chiến tranh không thể quên" như PGS. Thiếu tướng Lê Văn Cương đã viết trong lời giới thiệu đầu sách. Hy vọng sẽ có thêm những cuốn sách người thật việc thật như thế này của các cựu chiến binh kể lại, viết lại cuộc đời chiến đấu của mình để làm phong phú hơn, chính xác hơn, chân thực hơn bộ quân sử Việt Nam qua các thời kỳ.
Tác giả giữ nguyên các tên người, tên đất như trong thực tế. Và là người thật, nhưng cũng là biểu tượng. Đó là Thượng uý tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 Nguyễn Văn Hoan được các chiến sĩ yêu kính gọi là "Bố Hoan" mà anh y sĩ Nguyễn Thái Long gặp khi mới về đơn vị và hiện ra ngay trang đầu cuốn sách. Khép lại sách vẫn là "Bố Hoan" nhưng lần này là khi ông ra quân đang trên đường đánh ngựa về quê và khi ông đã về quê lầm lụi sống cho đến khi lại rời quê ra đi. Một đời quân ngũ. Một đời người. Đọc đến những trang cuối cuốn sách tôi cứ bị ám ảnh mãi với hình ảnh người lính già trên đường về. Tôi cũng bị ám ảnh như nỗi ám ảnh của tác giả trong cuộc chiến: "Một số anh em trong trận chiến đồi 244 và cao điểm 300 Khau Chỉa luôn mang bên mình một bình tông rượu ngô, vừa bắn vừa thỉnh thoảng làm một ngụm." Tại sao lại thế? Tác giả hỏi và tìm câu trả lời. Người đọc theo tác giả đọc đến đoạn này chắc cũng sẽ phải hỏi và tự trả lời cho mình.
Cuốn sách "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" được xuất bản là một sự tri ân tưởng nhớ những người lính không riêng chỉ của Trung đoàn 567 đã đổ máu xương bảo vệ biên cương phía bắc Tổ quốc năm 1979. Tiếng vọng đó chắc chắn còn vọng mãi. "Ôi ta yêu đến đau thương Tổ Quốc của mình", nhà thơ Chế Lan Viên đã viết câu này trong bài thơ ông làm ngay tháng 2/1979 khi "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" (lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên). Và giờ đây khi đọc cuốn sách của Nguyễn Thái Long tôi muốn nhắc lại đây vẫn những lời thơ của Chế Lan Viên để cùng mọi người đồng vọng với "tiếng vọng đèo Khau Chỉa":
Biên giới đã đứng lên diệt thù thay Tổ quốc
Nơi cao điểm nhất, ngày cao điểm nhất, giờ cao điểm nhất
Ôi, những rừng không tuổi, suối không tên
Thơ chửa từng ghi, sử có khi quên
Nay một phút máu anh hùng đỏ rực
Trên nghìn non cao ấy có xương thịt con em ta trên mỗi chốt.
Mỗi ngọn cỏ, nhành cây, muôn thuở hóa thiêng liêng
Họ dâng tất cả cho Tổ quốc mà, đâu có để gì riêng?
Nghìn năm sau nhìn về đây xin hãy rất trang nghiêm
Giữ sông núi là giữ bằng máu xương ta từng tấc đất
(Thần chiến thắng)
Sáng Chủ nhật (ngày 12/2/2023), bắt đầu từ 9h30, tác giả Nguyễn Thái Long và một số đồng đội của mình được nói đến trong sách sẽ có cuộc gặp gỡ ra mắt sách tại Manzi Art Space and Cafe (14 Phan Huy Ích, Hà Nội).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.