Đọc sách cùng bạn: Dung dị sâu lắng

Phạm Xuân Nguyên Thứ tư, ngày 22/02/2023 07:40 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc tập thơ tuyển của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Dung dị sâu lắng - Ảnh 1.

Tập thơ tuyển của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: ST)

Bài thơ đầu tiên của chị làm từ gần sáu mươi năm trước có tên "Rừng chiều":

Nắng chiều tha thẩn chơi

Trên chỏm đồi xa xôi

Bóng chiều cần cù nhặt

Từng ánh nắng nhác lười

 

Mây bay về núi xa

Trăng bay về lòng ta

Cùng khu rừng lộng gió

Hoà âm một bài ca

Đó là khi cô gái Nguyễn Thị Hồng mười bảy tuổi từ một vùng quê Thái Bình bước vào giảng đường khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, học tại nơi sơ tán huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Bài thơ nhẹ nhàng, man mác, mang chở nét tâm hồn lãng mạn của cô sinh viên văn khoa giữa khung cảnh rừng chiều, rồi ra sẽ làm nên âm điệu, nhịp điệu của cả đời thơ Nguyễn Thị Hồng. Một điệu thơ dung dị sâu lắng.

THƠ TUYỂN

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2022

Số trang: 335 (khổ 13,5x20,5cm)

Số lượng: 1500

Giá bán: 150.000đ

Tôi nói thơ chị dung dị. Dung dị như cái tên có đệm chữ "Thị" mà cha sinh mẹ đẻ đã đặt cho chị. Chị đã dùng chính cái tên đó làm bút danh thơ của mình, chứ không chọn một bút danh mỹ miều nào khác. Dung dị trong sự lặng lẽ, âm thầm của một đời thơ. Bạn sẽ ít thấy, ít nghe tên nhà thơ Nguyễn Thị Hồng nổi trên bề mặt của đời sống thi ca. Thơ chị không ồn ã, ầm ào những từ ngữ lạ tai, thời thượng, những cách nói cường điệu, khoa trương, những cảm xúc vóng vót, cưỡng với. Chị cũng rất ít, hầu như là không, viết theo các đề tài, sự việc thời sự. Thơ Nguyễn Thị Hồng đúng là tiếng lòng chứ không phải tiếng ý. Đọc thơ chị bạn phải lọc hết mọi tạp niệm thanh âm xô bồ của cả trong đời và trong thơ thì mới ngấm, thấm. Như cái cách chị viết về "Lá cỏ" của một thời yêu và một thời đau.

Em đã chứng kiến cuộc hẹn hò của ta

Và đã theo ta về nhà

Nhưng có lẽ

Không biết đó là cuộc chia ly vĩnh biệt

Nên em vẫn xanh non thắm thiết

 

Ta không giữ em làm kỷ vật

Nghĩa gì đâu một lá cỏ úa tàn

Trong ta

                mãi còn

                               day dứt

Cái màu xanh thắm thiết tươi non

Thơ là ở cái sự day dứt về màu xanh cỏ ấy, chứ không phải là về sự úa tàn của lá cỏ xanh. Nói thơ Nguyễn Thị Hồng sâu lắng là vậy.

Nhờ đó chị ghi được điệu thơ, tiếng thơ riêng của mình ở những đề tài đã có nhiều người viết, tưởng như khó có thêm gì mới cho thơ. Như bài "Lời tượng nhà mồ" chị viết khi lần đầu đến Sa Thầy (Kon Tum) bốn mươi năm trước. Nét phong tục văn hoá độc đáo tạc tượng người dựng ở nhà mồ của các dân tộc ở Tây Nguyên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã hóa thân mình vào bức tượng để nói lên những lời tha thiết thương yêu của người sống với người đã khuất, của tình cảm vợ chồng đằm thắm tử biệt sinh ly.

Ơ cái hồn!

Cuộc đời thì ngắn mà tình ta dài

Làm sao sống được khi mình lẻ loi

Dưới ba tấc đất hồn mình đơn côi

Trên ba tấc đất hồn ta đơn côi

Cồng đâu còn vang khi mình đơn côi

Bếp đâu còn ấm khi mình đơn côi

Nếp đâu còn thơm khi mình đơn côi

Ta ra cùng mình để không lẻ đôi

Nhà thơ đã nhập hồn cho tượng để nói với hồn người thương ở thế giới bên kia. Sự lặp lại hai chữ "đơn côi" trong nhiều câu thơ nối tiếp nhau nghe nghẹn ngào như tiếng nấc. Đây là một cách viết thường có ở thơ Nguyễn Thị Hồng. Ai biết bài thơ này giờ đây khi đứng trước các tượng nhà mồ đều như thấy tượng đang cất lên lời.

Khuynh hướng nội tâm của thơ Nguyễn Thị Hồng có vẻ thích hợp khi viết về đề tài miền núi. Hay đấy là cảm tưởng của người đọc. Trong tập thơ tuyển này nhà thơ có đưa vào một trường ca – "Hồn khèn". Viết về một tình yêu trắc trở của đôi trai gái vùng cao thơ Nguyễn Thị Hồng có dịp phô diễn hết nhịp điệu cảm xúc của mình. Những lời dân ca Mông xen vào những lời thơ làm cho mạch cảm xúc sóng sánh tràn trề. Mà thực chất, bản trường ca là tiếng lòng của những đôi lứa yêu nhau không đến được với nhau, có riêng gì người ở đâu, người thuộc tộc người nào.

Ở trên tôi có nói Nguyễn Thị Hồng ít hướng thơ ra bên ngoài, vào các đề tài thời sự. Quả có thế. Nhưng khi cần bày tỏ thái độ thơ chị cũng rất quyết liệt. Chuyện giải toả đất đai cho các dự án lâu nay vẫn gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thơ phải nói sao đây cho người dân? Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng vốn lặng lẽ cũng phải lên tiếng. Chị lại làm "Lời của những mảnh hài cốt bị cày ủi trên cánh đồng" để nói lên sự uất ức đau đớn của người nông dân bị mất đất mất ruộng. Ngay cái tên bài thơ đã dữ dội. Lời thơ còn dữ dội nữa.

Còn chúng tôi

Linh hồn không còn nguyên vẹn

Đầu một nơi mà chân cẳng một nơi

Đêm ngày chúng tôi sẽ như những ma trơi

Kêu khóc đi tìm những mảnh xương thất lạc!


Quen với thơ Nguyễn Thị Hồng dung dị sâu lắng, đọc một bài thơ như thế này thấy giật mình. Nhưng đó là một phía tâm hồn của nhà thơ. Đọc tuyển thơ của chị người đọc thấy được cả một hành trình thơ với nhiều cung bậc của người thơ, bên cạnh cung trưởng đằm thắm, lặng thầm, còn có những cung khác đôi khi chói gắt. Và tuyển thơ là chân dung tinh thần của một nhà thơ – Nguyễn Thị Hồng. Nếu bạn chỉ phải đọc một bài của chị thì tôi muốn bạn đọc bài "Gọi thu" (1990). Bài thơ đó là thơ Nguyễn Thị Hồng đấy.

Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng

Người yêu em ơi bao mùa thu sang

Biết anh còn nhớ mùa thu đầu ấy

Anh đưa em qua suối nguồn xiết chảy

 

Em như viên cuội rơi rồi dưới đáy

Anh về bến cũ vớt mùa thu lên

 

Những câu thơ tám chữ ngắt nhịp 4/4 làm thành nhịp chao của mùa thu, của tình yêu.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 22/2/ 2023


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem