Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến có nhiều điểm mới như: Mở rộng chế độ hưởng với lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện (thêm quyền lợi thai sản, tai nạn lao động); rút ngắn thời gian đóng BHXH theo lộ trình từ 20 năm xuống còn 15 năm tiến tới 10 năm để nhận lương hưu... Giảm số tiền hưởng BHXH 1 lần là một trong những nội dung mới đang ghi nhận nhiều luồng ý kiến.
Cụ thể, Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến bổ sung phương án quy định mới theo hướng chỉ giải quyết một phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm khi rút bảo hiểm một lần.
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nêu rõ, người lao động yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần khi đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Ra nước ngoài để định cư.
Bên cạnh đó, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; Người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thuộc trường hợp quy định của Bộ Y tế nếu yêu cầu sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về quy định hưởng BHXH lần, Bộ LĐTBXH nêu ra hai phương án:
Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút BHXH hội một lần.
Phương án 2 được đưa ra là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Mỗi năm có gần 750 nghìn người hưởng BHXH 1 lần
"Báo cáo của Bộ LĐTBXH, mỗi năm có gần 750.000 người hưởng BHXH một lần. Đặc biệt, số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng từng năm. Điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm.
Ông Trần Hải Nam - Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH)
Như vậy với phương án này thì người lao động chỉ được rút tối đa không quá 50% tiền BHXH một lần nếu chưa đủ tuổi hưu. Phần còn lại sẽ được bảo lưu và người lao động sẽ nhận lại khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là UB xã hội Quốc hội) cho rằng nguyên nhân chính khiến lao động rút BHXH 1 lần vẫn là: "Thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí quá dài phải 20 năm và kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quá dễ dàng".
Bởi vậy, ông Lợi cho rằng để đảm bảo chế độ an sinh lâu dài cho người lao động, ông Lợi ủng hộ việc sửa đổi luật nhằm hạn chế số lượng lao động rút BHXH 1 lần.
Trao đổi về hai phương án được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến, ông Lợi cho rằng, phương án thứ nhất cho rút như hiện nay sẽ rất nguy hiểm. Người lao động lấy ra dùng hôm nay nhưng sẽ không lo được cho mai sau.
"Việc rút ra một lần như bây giờ sẽ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, nhưng khi về già không có nguồn hưởng thụ. Quan trọng hơn, với người hưởng chế độ hưu trí ngoài lương hưu còn được cấp cả thẻ bảo hiểm y tế miễn phí", ông Lợi nói.
Với phương án hai chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội một lần, ông Lợi cho biết đề xuất này tốt cho hiện nay. Bởi, khó khăn hôm nay có thể là trước mắt còn lâu dài sẽ còn khó khăn nữa, vì thế việc đề xuất cho rút 50% còn giữ lại 50% là hợp lý.
Số 50% giữ lại này sẽ được bảo lưu, không mất đi và sẽ vẫn tăng lên khi mang đi đầu tư. Không may người lao động mất thì vẫn được hưởng mai táng phí, lấy lại tiền này hoặc lấy tuất thường cho bố mẹ hết tuổi lao động, con chưa đến tuổi lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm đồng ý, nhiều chuyên gia cũng cho rằng điều này có thể khó khả thi, và nếu không cẩn thận thì chính sách sẽ gặp phải tình trạng "lợi bất cập hại".
Tuy không ủng hộ rút BHXH 1 lần nhưng ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng nội dung này cần bàn bạc thêm. Từ việc rút thế nào? số tiền còn lại được giữ ra sao, giải quyết bài toán tích lũy số tiền còn lại với câu chuyện lương hưu như thế nào?
Cả nước có gần 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
"Nếu giữ lại 50% tổng thời gian đóng BHXH, số tiền này sẽ được giải quyết thế nào cho lao động. Nếu chuyển qua trợ cấp hàng tháng hoặc cho rút tiếp thì ban soạn thảo luật cần thông tin rõ ngay từ trong dự thảo cho lao động biết, tham gia góp ý và cân nhắc lựa chọn", ông Huân nói.
Thực tế, theo ông Huân lao động rút BHXH 1 lần đông, có xu hướng tăng ngoài những lý do khó khăn về kinh tế, mất việc làm... thì còn có một nguyên nhân nữa là do họ không tin tưởng vào cách quản lý quỹ.
"Lao động lo ngại vì quỹ không minh bạch. Họ sợ đóng vào rồi sẽ không rút ra được. Khoản tiền bảo lưu nhiều năm trong quỹ cần được minh bạch, đầu tư sinh lời hiệu quả và người lao động phải được chia sẻ phần lãi. Khi biết tiền đóng sinh lời, lao động sẽ yên tâm để trong quỹ, không vội vàng rút một lần", ông Huân nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội nói các khảo sát cho thấy việc rút BHXH một lần có mối liên quan đến niềm tin của lao động với quỹ. Cơ quan quản lý nên nhìn nhận người đóng BHXH như là cổ đông của quỹ, cần biết nguồn tiền tăng giảm ra sao, dùng vào mục đích gì. Chỉ khi lao động biết tiền trong quỹ được vận hành minh bạch, hỗ trợ lúc sa cơ thì mới mong giữ họ ở lại hệ thống.
"Hơn nữa, lao động rút BHXH 1 lần chủ yếu là những lao động trực tiếp, công việc vất vả, đời sống kinh tế eo hẹp. Họ đi làm đóng BHXH xem đây như khoản tiền tích lũy, khi có việc cần dùng là rút ra dùng luôn chứ ít nghĩ tới chuyện tích cóp lâu dài. Chính bởi vậy, nếu nôn nóng, muốn giữ chân họ bằng cách siết việc rút BHXH 1 lần, cắt tiền hưởng thì e là họ sẽ càng rút nhiều hơn", ông Lộc phân tích điểm lợi điểm hại của chính sách.
Chia sẻ về vấn đề này với PV Báo NTNN, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, bản chất: giảm số tiền hưởng BHXH 1 lần hay giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu chỉ là câu chuyện của người làm chính sách, nó sẽ khó đi vào thực tiễn bởi chưa thấu hiểu được nguyện vọng và quyền lợi của người lao động.
"Lao động đóng có quyền hưởng. Nguyên tắc của BHXH là có đóng - có hưởng. Vì sao chúng ta yêu cầu lao động đóng mà lại "bắt" họ không hưởng, hoặc hưởng ít (có cũng như không). Điều này tôi cho rằng chưa phù hợp", bà Hương chia sẻ quan điểm.
Theo bà Hương, để giữ chân lao động, muốn họ tham gia BHXH đảm bảo an sinh lâu dài, bền vững thì phải cải cách thủ tục hành chính trong việc đóng - hưởng BHXH; Nâng cao chế độ hưởng cho lao động (hiện nay các điều kiện hưởng, chế độ hưởng, ví dụ như: lương hưu, tai nạn lao động... còn thấp); tiếp đó điều chỉnh lại tuổi về hưu; nâng cao chất lượng việc làm, thu nhập, tạo công việc ổn định cho lao động... chứ không phải chỉ trông chờ vào việc cắt tiền hưởng BHXH.
"Thực chất đây chỉ là cách để "dọa" lao động và điều trị phần ngọn chứ không xuất phát từ căn nguyên điều chỉnh từ phần gốc. Cần xem xét lại đề xuất này", bà Lan Hương nhấn mạnh.
Trước đó, năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ 1/1/2016), "Điều 60 quy định người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu" cũng đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt của lao động. Kết quả, Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi theo hướng để lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Thận trọng khi đề xuất chỉ cho hưởng 50% khi rút BHXH 1 lần
"Tôi cho rằng việc đưa đề xuất này còn phải tính toán, cân đối đảm bảo sự đồng bộ trong Luật BHXH với các văn bản luật hiện hành. Bộ luật Lao động sửa đổi đã nâng tuổi về hưu, nếu giờ giảm số năm đóng BHXH thì khoảng cách tuổi về hưu và số năm đóng BHXh bị kéo giãn ra. Chưa kể, nếu giờ lao động chỉ được rút 50% BHXH 1 lần, 50% còn lại phải tới lúc về hưu mới được rút thì quá xa. Lao động không thể chờ dài vậy được. Nên đưa ra cho người lao động nhiều cách để lựa chọn, thay vì bắt buộc chọn rút BHXH hoặc không".
Hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, chiếm 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người rút một cục tăng nhanh. Thống kê giai đoạn 2016-2021, hơn 4 triệu lao động rút BHXH một lần. Khoảng 10% trong số đó có thời gian đóng từ đủ 10 năm trở lên.
Bà Phạm Thu Lan - Viện phó Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)