​​Đề xuất đóng 15 năm BHXH được nhận lương hưu: Lao động vui mừng nhưng lo...

Thùy Anh Thứ hai, ngày 27/02/2023 12:47 PM (GMT+7)
Hiện nay để được hưởng lương hưu, lao động phải đóng đủ 20 năm BHXH đồng thời đủ tuổi về hưu. Tuy nhiên, theo đề xuất mới thì lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm là được về hưu. Đề xuất này cũng đang đối mặt với nhiều tranh cãi.
Bình luận 0

Đề xuất đóng 15 năm BHXH được nhận lương hưu: Không có đủ thời gian đóng BHXH, lao động sống khổ khi về già

Đã 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Lâm, 55 tuổi (Thanh Hóa) phải về "hưu non". Công ty nơi bà làm việc gặp khó khăn, thu nhập giảm sâu, sức khỏe bà Lâm lại yếu nên xin nghỉ làm sớm.

"Vốn dĩ định cố làm hết 15 năm cho đủ tuổi về hưu kiếm chút tiền lương hưu nhưng số năm đóng BHXH của tôi cũng không đủ (mới đóng được 12 năm), bởi vậy thôi xin nghỉ luôn rồi đăng ký nhận BHXH 1 lần", bà Lâm nói.

Tiếc nuối và hối hận là tâm lý chung của nhiều lao động như bà Lâm bởi, số tiền nhận BHXH 1 lần không nhiều, trong khi đó, giờ về hưu, bà không có tiền tích lũy nên cuộc sống rất khó khăn.

Cũng như bà Lâm, nhiều lao động cũng chọn phương án giải nghỉ hưởng BHXH 1 lần vì xin việc làm mãi không ai nhận. Không có việc làm không thể có tiền tham gia tiếp BHXH tự nguyện được.

Tuy ủng hộ việc giảm năm đóng nhưng nhiều lao động cũng băn khoăn bởi vì giảm năm đóng BHXH, nhưng tuổi về hưu tăng khiến cho việc giảm đóng này mất tính nhân văn.

BHXH

Lao động hy vọng sẽ được giảm số năm đóng, giảm tuổi nghỉ hưu để nhận lương hưu. Ảnh:NN

"Lao động đủ 15 năm đóng BHXH nhưng phải còn 10 năm nữa mới đủ tuổi về hưu thì vẫn không thể về hưu được. Điều này khá bất cập, chưa kể ở tuổi 45-50 lao động rất khó xin được việc làm mới nếu mất việc làm. Lúc này có giảm năm đóng BHXH mà không giảm tuổi về hưu thì họ vẫn rút BHXH 1 lần thôi", một lao động ý kiến.

Cũng liên quan tới việc thực hiện chế độ BHXH, lao động kiến nghị nên cho lao động hưởng đủ 100% khi đủ 35 năm đóng BHXH thay vì 75% như hiện nay. Sau đó, người đóng từ năm thứ 36 trở lên thì cứ mỗi năm được tính thêm 1 tháng lương khi tính lương hưu và những ai chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cho hưởng đủ các tháng chưa hưởng khi nhận sổ hưu.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng người rút BHXH một lần có xu hướng tăng qua các năm. Tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Đáng chú ý, giai đoạn 2016 - 2021, có khoảng hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, chưa tính số người do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người rút BHXH một lần. Lý do một phần do chính sách có nhiều thuận lợi cho việc rút BHXH một lần, cộng thêm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì thời gian đóng BHXH quá dài (20 năm) cũng là yếu tố khiến người lao động chấp nhận rút BHXH một lần.

Luật BHXH năm 2014 quy định, lao động chỉ đủ điều kiện về hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động và bảo đảm có đủ tối thiểu 20 năm tham gia BHXH. Trong khi đó, điều kiện đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu là thời gian quá dài. Điều này khiến lao động chọn giải pháp rút BHXH 1 lần.

Bộ LĐTBXH cho biết dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023. Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐTBXH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Bởi vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đã xác định sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Đề xuất đóng 15 năm BHXH được nhận lương hưu: Giảm số năm đóng BHXH đảm bảo an sinh, nhưng có khả thi

Theo thống kê, hiện Việt Nam còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng tầng an sinh nào. Đây được coi là lỗ hổng an sinh xã hội và đa phần những người này đang sống phụ thuộc vào con cháu.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH), cho biết việc rút ngắn thời gian đóng BHXH nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Mục đích giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

BHXH

Số lao động đăng ký rút bảo hiểm xã hội 1 lần có xu hướng tăng qua các năm. Ảnh: NN

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu số năm đóng BHXH giảm xuống tối thiểu 15 năm thì tình trạng NLĐ rút BHXH một lần sẽ giảm dần.

"Với chính sách linh hoạt như vậy, chắc chắn số người rút BHXH một lần cũng sẽ giảm dần. Số năm đóng BHXH ngắn thì nhiều người có thể cố gắng đóng cho đủ thời gian theo quy định" - ông Lợi phân tích.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì vẫn còn những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại. Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) ủng hộ quan điểm giảm thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, ông Quảng cũng khá lo ngại việc giảm thời gian đóng nếu không đi kèm giải pháp nâng tỷ lệ đóng BHXH thì khó có thể đảm bảo an sinh sau này vì mức tiền lương hưu sẽ thấp.

"Hiện nay chính sách BHXH vẫn theo nguyên tắc đóng - hưởng, đặc biệt ở chế độ hưu trí. Vì vậy, rất nhiều lao động, nhất là lao động trực tiếp, có thời gian tham gia BHXH ngắn và thường về hưu trước tuổi, nên tỉ lệ hưởng chế độ hưu trí rất thấp", ông Quảng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem