Tranh cải trước ý kiến chỉ được rút BHXH 1 lần là 8%
Tranh cãi trước ý kiến chỉ được rút BHXH 1 lần là 8%
Minh Nguyệt
Thứ sáu, ngày 18/11/2022 11:33 AM (GMT+7)
Thay vì được hưởng từ 1,5 - 2 tháng tiền lương đóng BHXH thì tới đây có thể lao động chỉ được nhận một phần rất ít tiền khi rút BHXH 1 lần. Đây là ý kiến của một số chuyên gia đưa ra khi sửa luật BHXH. Ý kiến này đang nhận phải nhiều tranh cãi.
Thông tin một số chuyên gia, người làm chính sách cho rằng nên giảm mức hưởng BHXH 1 lần của lao động để ngăn chặn tình trạng lao động rút BHXH ồ ạt đang gây nhiều tranh luận. Theo đó, thay vì được rút từ 1,5-2 tháng tiền lương đóng BHXH 1 lần, nhóm này đề xuất chỉ nên cho lao động rút 8% (khoản lao động tham gia đóng BHXH) còn số tiền doanh nghiệp đóng 22% nên giữ lại để nộp quỹ, chia sẻ với người đóng lâu dài.
Về vấn đề này, ghi nhận của PV báo Dân Việt cho thấy nhiều lao động tỏ ý kiến bất bình, không đồng tình.
Chị Nguyễn Thị Lan, 47 tuổi làm công nhân công Công ty may ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, thời gian qua công việc khó khăn nên thu nhập của lao động giảm sâu. Chị đang cân nhắc nghỉ việc, nhưng vừa nghe thấy thông tin giảm tiền hưởng BHXH 1 lần, chị đã rất buồn.
"Tôi đi làm được 12 năm, giờ vì lý do bất đắc dĩ phải nghỉ việc, về quê. Cũng không thể tham gia thị trường lao động tiếp được nên sẽ phải rút BHXH 1 lần. Nhưng nếu giờ rút BHXH 1 lần giảm đi hơn 1 nửa thì quá bất công cho lao động. Dù thế nào thì chúng tôi đã làm và cống hiến rất nhiều", chị Lan nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Toán, 45 tuổi - công nhân công ty giày da Thanh Hóa cũng đang băn khoăn muốn nghỉ việc và muốn rút BHXH 1 lần.
Chị Toán chia sẻ: "Tôi thường xuyên phải đứng máy, làm việc trong môi trường kín, mùi keo, sơn, nóng bức lại phải vác khuôn đế giày với trọng lượng từ 3-4kg... nên cơ thể cũng mệt mỏi. 2 năm gần đây tôi bị thoái hóa đốt sống lưng, mắt mờ, tay đau. Đang tính nghỉ việc nhưng chưa biết làm gì tiếp".
Theo chị Toán, giờ sức khỏe yếu, cũng có tuổi nên rất khó để chị có thể tìm kiếm một công việc mới. Vì thế chị dự định về tìm công việc tự do, tìm được việc nào thì làm việc đó. Tuy nhiên, nếu là lao động tự do, thu nhập sẽ không ổn định và chị không thể đủ điều kiện để tiếp tục tham gia BHXH kể cả đóng theo hình thức tự nguyện.
"Nếu tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì tôi không đủ tiền, vì đi làm công ngoài thu nhập bấp bênh, tháng được 4-5 triệu đồng, chưa kể ốm đau phải nghỉ thu nhập còn thấp hơn. Nếu đóng BHXH tự nguyện ít nhất mỗi tháng cũng phải giành ra từ 1,5 -1,7 triệu đồng. Đây khoản tiền quá lớn với lao động như chúng tôi", chị Toán nói.
Chính bởi lẽ đó, chị quyết định sẽ rút BHXH 1 lần khi nghỉ việc. Thế nhưng nghe tới thông tin khả năng khi rút BHXH 1 lần số tiền rút chỉ còn được 8% thay vì mỗi năm được nhận từ 1,5- 2 tháng tiền lương đóng BHXH như trước đó, chị Toán tỏ ra khá buồn bã.
Nhiều ý kiến trái ngược xung quanh giảm mức hưởng khi rút BHXH 1 lần
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Duy Xuyên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho rằng hiện nay nhiều điểm trong Luật BHXH đã không phù hợp với thực tiễn, vì thế việc sửa đổi luật là phù hợp.
Năm 2020, theo thống kê của BHXH Việt Nam, có hơn 860.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,65% so với năm 2019. Năm 2021, con số tiếp tục gia tăng với hơn 960.000 người, tăng hơn 11% so với năm 2020.
Đầu năm nay, tính riêng trong quý I, cả nước đã có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đến nửa cuối năm nay, số lượng người rút BHXH bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng khá chậm.
Ông Xuyên đưa ví dụ cụ thể: Hiện nay lao động làm trong các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông. Nếu lao động nào chịu khó, học hỏi thì được cử đi học và nâng cao tay nghề. Còn lại, đa phần là lao động phổ thông không có trình độ, kỹ năng vì thế tuổi nghề thấp.
Lao động trên 40 tuổi là sức khỏe đã suy giảm, không thể lao động nhanh nhẹn được. Chưa kể việc nhiều doanh nghiệp rất ngại phải tuyển hoặc giữ chân lao động có thâm niên vì phải trả tiền lương cao. Đây chính là do khiến cho nhiều doanh nghiệp sa thải lao động lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên).
"Trong khi đó, lao động ở độ tuổi này rất khó để có thể tìm kiếm một việc làm mới. Lao động mất việc làm, thu nhập bấp bênh vì thế không có điều kiện để tham gia BHXH", ông Xuyên nói.
Cũng theo ông Xuyên, hiện nay luật đã tăng tuổi nghỉ hưu, lao động nữ phải 60 tuổi mới về hưu. Làm một phép tính thông thường, lao động nếu mất việc ở tuổi 40-45 thì phải đóng thêm 15-20 năm BHXH tự nguyện nữa mới được hưởng lương hưu. Trong khi đó, lao động mất việc, công việc bấp bênh, ở độ tuổi này con cái đang tuổi ăn tuổi học, có quá nhiều khoản phải chi tiêu. Việc trích 1-2 triệu đồng/tháng để tham gia BHXH sẽ rất khó với lao động.
"Mất việc, lại phải đóng BHXH tự nguyện 15-20 năm chờ để nhận lương hưu thì quá khó cho lao động. Chính bởi vậy, lao động chấp nhận 'gặt lúa non' rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên nếu mức hưởng giảm đi, lao động chỉ còn được hưởng 8% thì quá thiệt thòi", ông Xuyên nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt sáng ngày 18/11, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, việc giảm mức hưởng BHXH 1 lần xuống còn 8% mới chỉ là ý kiến một vài cá nhân, chưa phải là đề xuất chính thức của Bộ LĐTBXH khi sửa luật BHXH.
Ông Quảng cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng BHXH một lần tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện (trừ những người bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng).
"Trong bối cảnh hiện nay có quá nhiều lao động đăng ký rút BHXH 1 lần, điều này ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện, duy trì chính sách an sinh lâu dài của đất nước. Bởi vậy, tôi đồng ý với việc điều chỉnh giảm số tiền hưởng BHXH 1 lần nhằm níu chân lao động", ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng phân tích thêm, chỉ nên ưu tiên và tăng mức hưởng khi rút BHXH 1 lần với nhóm lao động bất khả kháng không thể tiếp tục tham gia đóng BHXH được nữa ví dụ như: Lao động mắc bệnh hiểm nghèo; lao động đi định cư ở nước ngoài; lao động mất khả năng lao động... còn với trường hợp chấm dứt quan hệ lao động ngắn hạn, có thể giảm mức hưởng BHXH 1 lần nhưng phải giảm từ từ, giảm theo lộ trình để tránh gây sốc cho lao động.
Ông Quảng khẳng định: "Đây mới chỉ là 1 trong số nhiều ý kiến nhằm ngăn chặn tình trạng rút BHXH 1 lần ồ ạt, chứ chưa phải là đề xuất chính thức của Bộ LĐTBXH. Chắc chắn vấn đề sẽ còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp nữa".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.