Dân Việt

TP.HCM: Được gỡ nhiều khó khăn nhưng vẫn chưa hết vướng, bệnh viện loay hoay ứng phó

Bạch Dương 09/03/2023 17:20 GMT+7
Ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế được ban hành, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã triển khai việc mua sắm, nhưng khó khăn chưa thể khắc phục được ngay.
TP.HCM: Bao giờ các bệnh viện hết khó, người bệnh hết khổ? - Ảnh 1.

Máy móc hỏng chờ được thay mới tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: G.L

Vẫn còn chờ mổ, chuyển chụp

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Văn Tài (Bình Phước) đến bệnh viện từ sớm, chờ đến 10 giờ mới được khám. Để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ chỉ định ông phải đi chụp MRI và qua Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế (quận Tân Phú) để chụp.

"Bệnh viện máy hỏng nên tôi và hơn chục người qua đây, giờ phải mang phim chụp về cho bác sĩ tìm bệnh, vất vả lắm, chắc chiều mới xong", ông Tài cho biết.

Tình trạng người dân xếp hàng chờ được khám, chụp chiếu cũng diễn ra tại các Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175… trong đó không ít bệnh nhân được chuyển đến từ bệnh viện hoặc địa phương khác. Nhiều bệnh nhân ở tỉnh phải lặn lội lên TP.HCM tìm nơi điều trị vì bệnh viện tuyến dưới cũng thiếu dụng cụ để mổ, thiếu trang thiết bị y tế chẩn đoán, điều trị...

Ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 03 được ban hành, TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện họp bàn khẩn với các đơn vị, phòng khoa và bắt đầu triển khai mua sắm ngay các vật tư, thiết bị đáp ứng nhu cầu khẩn cấp cho người bệnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện, hiện tại chỉ mới giải quyết được câu chuyện bắt đầu đi mua. Còn việc đấu thầu, nhập thiết bị về phải mất từ 1-2 tháng. Như vậy, có thể qua đến quý II năm nay mới giải quyết được cơ bản các khó khăn về máy móc.

Trong khi đó, TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện TP.Thủ Đức cũng cho hay, nghị quyết mới này cơ bản đã gỡ nhiều khó khăn cho các bệnh viện nhưng vẫn chưa hết vướng. Bệnh viện đang vướng về vấn đề mua sắm trang thiết bị vật tư y tế tiêu hao. Cụ thể, bóng đèn máy chụp CT bị hỏng, công ty mẹ báo giá sửa chữa 5,2 tỷ đồng, máy MRI hỏng được báo giá sửa 10 tỷ đồng, nhưng chưa có tiền.

Cần xây dựng quy định rõ ràng về đấu thầu, mua sắm

Việc Chính phủ liên tiếp ban hành 2 văn bản quan trọng nêu trên kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các bệnh viện, đây chỉ là giải pháp tình thế, để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần xây dựng những quy định rõ ràng về việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.

Ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thành viên soạn thảo Nghị quyết 30 cho biết, nghị quyết có nhiều điểm mới, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của các cơ sở y tế hiện nay.

TP.HCM: Bao giờ các bệnh viện hết khó, người bệnh hết khổ? - Ảnh 3.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: B.D

Cụ thể, Nghị quyết 30 quy định các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 sẽ tiếp tục thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 thì được tiếp tục thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này (không còn thời hạn đến ngày 5/11/2023), bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

"Quy định này nhằm lấp khoảng thời gian trống về mặt pháp lý trong thực hiện vấn đề này từ sau ngày 5/11/2023 đến khi Luật Khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực và có các văn bản hướng dẫn theo quy định", ông Sơn giải thích.

Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có những thiết bị rất đặc thù, chỉ có một đơn vị cung ứng, một chủng loại… nên chỉ có một báo giá. Vì vậy, những đổi mới của Nghị quyết 30 sẽ giải quyết được vấn đề 3 báo giá. Tuy nhiên, khi quyết định lựa chọn phải có sự minh bạch, công tâm, làm việc với tinh trần trách nhiệm cao, nếu không dễ rơi vào chỉ định thầu.

"Làm sao khi chọn thiết bị rồi phải mang tính tối ưu về hiệu quả và chi phí đầu tư. Tránh tình trạng vin vào chỉ định thầu, mua chủng loại mình mong muốn mà hiệu quả và chi phí đầu tư không phù hợp", bác sĩ Thịnh nhấn mạnh.

Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, việc sửa chữa máy móc, trang thiết bị y tế vẫn phải theo Luật Đấu thầu và các thông tư, nghị định. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế.

Về xác định giá trang thiết bị y tế, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu. Cùng với đó, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, công khai minh bạch về vấn đề này để các bệnh viện hoạt động thuận lợi, thậm chí, phải có điều khoản bảo vệ người, đơn vị thực hiện thí điểm.