Nhiều người sử dụng các loại phân bón hóa học có sẵn trên thị trường để bón cho cây cảnh của mình. Điều này cũng không phải là không nên tuy nhiên, nếu bón phân bón hóa học cho cây cảnh thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển không bền, chỉ có tính thời vụ rồi lại héo úa và tàn rụng. Và đặc biệt nữa là còn tốn tiền để mua các loại phân bón này.
Thay vì vừa mất tiền vừa làm giảm sự sinh trưởng bền của cây cảnh thì bạn nên bổ sung những nguồn phân bón hữu cơ cho cây cảnh. Việc làm này vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm tiền bạc lại mang hiệu quả cao cho cây cảnh của mình.
Là một loại hạt quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người Việt, hạt vừng rất dễ kiếm, bạn có thể tận dụng vừng đã qua sử dụng hoặc sử dụng không hết mà đem bỏ đi để làm bột bón cho cây cảnh của mình.
Có thể bạn không biết, theo các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu cây trồng thuộc đại học Ohio của Mỹ thì khi các hạt vừng phân hủy sẽ có nhiều dầu, protein và các nguyên tố vi lượng khác nhau nên rất hiệu quả trong việc thúc đẩy sự ra hoa của cây cảnh.
Hạt vừng (mè) chính là một loại phân bón cây cảnh giàu chất dinh dưỡng, chứa phân đạm, lân, kali và một số nguyên tố vi lượng, rất có ích cho việc cây cảnh ra những lá mới. Tuy nhiên, chúng ta không sử dụng hạt vừng sống mà nên rang chín chúng rồi đem xay ra thành bột sau đó mới dùng làm phân bón cho cây cảnh. Rắc một thìa bột này vào đất trồng cây cảnh.
Bột vừng sẽ từ từ tiết ra chất dinh dưỡng tốt cho cây cảnh, kích thích sự ra hoa nhiều hơn, cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Nếu sử dụng vừng (mè) làm phân bón cho cây cảnh thì bạn nên sử dụng 2 tuần một lần, để có thể thúc đẩy sự phát triển của chồi mới được tốt hơn, đồng thời có thể cải thiện được cấu trúc của bầu đất trồng cây cảnh, tránh tình trạng bầu đất bị nén chặt khiến cây cảnh khó phát triển được xanh tốt.
Các loại xương heo, gà, cá là nguồn phosphorous phong phú bổ sung tốt cho cây cảnh trong giai đoạn ra hoa. Tùy từng loại xương mà mức NPK (Nitơ, Phốt pho, Kali) có thể dao động từ 1-12-0 đến 4-21-2.
Phân bón từ xương sẽ từ từ giải phóng các chất dinh dưỡng để cây cảnh hấp thụ. Tuy vậy, phân xương được khuyến cáo sử dụng phù hợp với các loại đất có độ PH thấp hơn 7 bởi đất chua giúp giải phóng chất dinh dưỡng trong xương nhưng đất kiềm sẽ khóa các chất dinh dưỡng.
Để có được bột xương chúng ta cần thực hiện cách sau:
Xương rửa sạch và khử trùng bằng nhiệt, có thể luộc xương 5-8 tiếng để loại bỏ hết phần thịt còn bám trên xương, sau đó phơi khô để dùng dần.
Khi xương được giòn và khô, nghiền hoặc giã nát thành một loại bột mịn. Sau khi lên men, bột có thể rải khô lên đất, quanh các gốc cây cảnh với lượng khoảng một cân cho 50m2.
Bột xương có thể nấu thành trà ủ để sử dụng. Tỷ lệ mỗi muỗng canh bột xương tương ứng với 3,8 lít nước, sử dụng cả bã và nước tưới. Phân xương phù hợp cho các loại cây cảnh cần ra hoa, đậu quả trong vườn.