Dân Việt

Nước sạch về làng, bà con dân tộc Raglai vùng nông thôn Ninh Thuận sống khỏe, làm gì cũng tiện lợi

Đức Cường 12/03/2023 07:06 GMT+7
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã ưu tiên từ nhiều nguồn vốn để nâng cấp, xây dựng các nhà máy xử lý, cung cấp nước sạch, hệ thống thủy lợi phục vụ bà con vùng nông thôn, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số. Bức tranh giảm nghèo nông thôn đang có sự thay đổi đáng phấn khởi...

Nước sạch đến tận vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao cuộc sống, sức khỏe, kinh tế của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.

Người Raglai Ninh Thuận vui mừng đón dòng nước mát

Hơn nữa năm nay, người dân 2 thôn Tà Lọt và Chà Panh ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) rất phấn khởi khi nước sạch đã về đến tận buôn làng. Hệ thống ống dẫn nước sạch chảy đến tận nhà để phục vụ sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Raglai.

Một tháng đầu tháng 3, chúng tôi tìm về vùng miền núi này và chứng kiến cuộc sống đã thay đổi nhiều so với trước đây.

Nước sạch về làng, làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc Raglai vùng Nông thôn ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Nước sạch đã phủ kín bản làng Raglai thôn Tà Lọt và Chà Panh ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Dẫn chúng tôi tới "công trình" nước sạch đã được lắp đặt phía sau nhà, ông Pi Năng Hậu ở đội 1, thôn Chà Panh, ở xã Phước Hòa (huyện Bác Ái) cho biết, hơn 1 năm trước gia đình ông còn phải sử dụng nước sông, suối để nấu ăn, sinh hoạt nên hay nhiễm bệnh. 

Vào mùa khô, sông suối thường bị cạn kiệt, bà con phải đi mua nước cách nhà khá xa để về sử dụng, vừa tốn kém lại không thoải mái.

"Nhưng khoảng hơn một năm nay, khi Nhà nước đầu tư nâng cấp, đưa vào sử dụng hệ thống tăng áp cho Nhà máy nước Phước Hòa thì nước sạch đã đến tận nhà chúng tôi luôn. Nước sạch mát lắm, nấu ăn, uống rất ngon nên bà con làng mình vui lắm…", ông Pi Năng Hậu nói.

Nước sạch về làng, làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc Raglai vùng Nông thôn ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Ông Pi Năng Hậu ở đội 1, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa vui mừng sử dụng nước sạch. (Ảnh: Đức Cường)

Chung niềm vui của làng có nước sạch, gia đình chị Chamale Thị Thảo ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa (huyện Bác Ái) không còn lo lắng về cảnh thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô như trước.

Chị Chamaléa Thị Thảo cho biết, thời gian trước người dân trong thôn thường tự đào giếng hoặc phải đi lấy nước từ các khe suối. Nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. 

"Nay Nhà nước xây dựng các công trình nước sạch ở nông thôn thế này rất hay, không chỉ giúp đồng bào có nước sinh hoạt mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe bà con tốt hơn, nên cả làng cùng vui…", chị Chamaléa Thị Thảo cho hay.

Nước sạch về làng, làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc Raglai vùng Nông thôn ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Chị Chamaléa Thị Thảo ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa với niềm vui sử dụng nước tận nhà. (Ảnh: Đức Cường)

Có nước sạch, có thủy lợi, kinh tế phát triển

Theo ông Lê Thành Mười, chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Bác Ái), toàn xã hiện có 482 hộ/ 2.047 khẩu với trên 90% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống tại 2 thôn Tà Lọt và Chà Panh.

Nước sạch về làng, làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc Raglai vùng Nông thôn ở Ninh Thuận - Ảnh 5.

Nhà máy nước xã Phước Hòa, huyện Bác Ái đã được đầu tư nâng cấp. (Ảnh: Đức Cường)

Cũng theo ông Mười, nhà máy nước Phước Hòa được xây dựng từ năm 2009 nhằm cung cấp nước cho 150 hộ dân khu tái định cư thôn Tà Lọt. Đến năm 2012, nhà máy đã được nâng công suất để cung cấp cho khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên thực tế trên vẫn chưa đủ nước sạch để phục vụ đời sống người dân, đặc biệt là mùa khô.

Do đó, đến năm 2022 vừa qua, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Hòa lên công suất 100 m3/giờ. 

Nhờ công trình mới này đã đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 482 hộ dân ở 2 thôn Tà Lọt và Chà Panh. Việc này đã góp phần nâng tổng số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên địa bàn xã Phước Hòa đạt tỷ lệ gần 100%.

"Nước sạch đưa vào sử dụng có ý nghĩa to lớn cho đời sống người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao nhận thức, làm thay đổi cuộc sống tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc này góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho người dân nên bà con ai nấy đều hăng say sản xuất nông nghiệp…", ông Mười cho hay.

Niềm vui có nước sạch và hệ thống thủy lợi của dân tộc Raglai ở xã phước Hòa, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. (T/h: Đức Cường)

Cũng theo ông Lê Thành Mười, xã đang chuẩn bị đưa vào sử dụng hơn 2,4km đường ống thủy lợi thuộc công trình đấu nối nhánh phụ của hệ thống trạm bơm Chà Panh. Công trình này nhằm mục đích phục vụ nước tưới cho 50ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn.

"Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó người dân tham gia đóng góp gần 30 triệu đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm nhằm từng bước xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tiến đến nâng cao tiêu chí về thủy lợi phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương...", ông Mười chia sẻ.

Dân trong làng háo hức chờ nước tưới cây

Khi công đấu nối nhánh phụ vào hệ thống thủy lợi khu vực Chà Panh đi vào hoạt động, ông Pi Năng Thiên ở thôn Chà Panh là một trong những người được hưởng lợi.

Đang chỉnh sửa lại hệ thống ống nước, ông Pi Năng Thiên háo hức: "Tôi đang rất trông chờ khi hệ thống hoạt động vì khi đó không cần máy bơm mà vẫn có nước tưới cho cây trồng nên chi phí sản xuất, công lao động sẽ giảm đi đáng kể, gia đình sẽ có thêm thu nhập để thoát nghèo...".

Nước sạch về làng, làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc Raglai vùng Nông thôn ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa hướng dẫn người dân đấu nối vào hệ thống thủy lợi sắp vận hành. (Ảnh: Đức Cường)

Theo ông Pi Năng Thiên, trước đó năm nào gia đình ông cũng phải mất từ 5-7 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm nước từ sông Cái lên tưới cho gần 1ha bưởi da xanh nên rất tốn kém. Nếu hệ thống thủy lợi Chà Panh đi vào hoạt động thì gia đình sẽ đỡ được phần đó nên cả gia đình ông đều mong chờ ngày đấu ống dẫn nước về tận vườn…

Theo UBND huyện Bác Ái( Ninh Thuận), việc đầu tư hệ thống nước sạch về khu dân cư và hệ thống thủy lợi sẽ giúp người dân sản xuất nông nghiệp tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Nhờ đó, giúp hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 5,9%, đạt và vượt kế hoạch theo lộ trình của tỉnh và huyện đề ra.

Riêng xã Phước Hòa, đến cuối năm 2022 vừa qua tỉ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 36,09% (giảm 25 hộ); hộ cận nghèo giảm còn 13,27% (giảm  15 hộ).

Nước sạch về làng, làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc Raglai vùng Nông thôn ở Ninh Thuận - Ảnh 10.

Ông Pi Năng Thiên háo hức chờ ngày nước từ hệ thống Chà Panh về để tưới cho gần 1ha bưởi da xanh. (Ảnh: Đức Cường)

Hiện toàn xã Phước Hòa đã xây dựng và đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện 6 tiêu chí về Quy hoạch, Nhà ở dân cư, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Môi trường, Hệ thống chính trị và An ninh quốc phòng. Phấn đấu trở thành 1 trong 2 địa phương đầu tiên đạt chuẩn xã nông thôn mới của huyện miền núi Bác Ái.

Hoàn thành các chỉ tiêu Nông thôn mới

Để người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa có nước sạch sinh hoạt, những năm qua từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, huyện Bác Ái được đầu tư xây dựng 9 nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt, hơn 40 đập dâng, ao, hồ chứa nước, hệ thống kênh, mương để giúp bà con có nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Việc triển khai các hạng mục công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại các xã miền núi huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận ngoài việc hỗ trợ người dân nơi đây tiếp cận, thụ hưởng nguồn nước hợp vệ sinh còn giúp bà con cải thiện môi trường, cải thiện tình trạng sức khỏe, điều kiện lao động.

Qua đó, giúp đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống, từng bước hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.