Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khi còn sống, rươi mang màu máu tươi, trong suốt. Rươi thuộc bộ giun đốt, có nhiều lông tơ. Hình dạng con rươi nhỏ chừng cây diêm quẹt, thân mềm nhũn.
Hàng năm đến mùa gió chướng, khoảng từ tháng 11 mà đỉnh cao là cuối tháng Chạp âm lịch thì rươi xuất hiện. Chúng quyện vào nhau, trôi từng giề đông đặc trên mặt nước, dọc theo những con sông, rạch miền biển. Bà con cư dân vùng Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre dùng vợt bọc bằng vải mùng để hứng, vớt rươi.
Từ rươi, người ta có thể chế biến ra được nhiều món ăn giàu dinh dưỡng như: chả rươi, dùng chiên với trứng, làm các món xào, quấn bánh tráng… Ngoài ra, rươi còn dùng để chế biến thành nước mắm, rất thơm ngon, cho lượng đạm cao, nhiều bổ dưỡng và hấp dẫn khẩu vị.
Hương vị nước mắm rươi thơm dịu, khiến những thực khách sành ăn nếm qua 1 lần là nhớ mãi, bởi hương vị nước mắm rươi rất riêng, hậu ngọt, lại có màu đỏ tự nhiên nên rất bắt mắt. Nước mắm rươi dùng kho cá hay làm nước chấm đều rất ngon.
Bà Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi, ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), là một trong số ít hộ làm nước mắm rươi để bán và quyết định chọn nước mắm rươi để khởi nghiệp. Khoảng 6 năm đến với nghề, lúc đầu bà chỉ đi vớt về làm, sau này mua thêm rươi để chế biến.
Sản phẩm được khách hàng gần xa ưa chuộng, càng giúp bà thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất. Bà Hoa cho biết: “Lúc đầu làm để gia đình dùng và bán cho những gia đình trong xóm, ấp. Mọi người dùng thấy ngon giới thiệu cho những địa phương khác đến mua. Hàng năm, số người tiêu dùng tăng lên nên tôi quyết định mở rộng thu mua rươi nhiều hơn để sản xuất nước mắm đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng”.
Bà Nguyễn Thị Hoa (phải) ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre chọn đặc sản quê hương là nước mắm rươi để khởi nghiệp. Con rươi là con đặc sản ví như con "lộc trời" thường xuất hiện ở các địa phương ven biển Bến Tre.
Theo bà Hoa, có năm, rươi xuất hiện nhiều lần, có năm chỉ có 1 đợt vào dịp cận Tết. Sau nhiều lần tìm hiểu, mày mò và thất bại, rút kinh nghiệm thì cuối cùng bà cũng thành công và cho ra nước mắm rươi ngon như bây giờ.
“Khi đem rươi về thì rửa thật sạch, phơi ráo, sau đó bắt đầu muối. Mỗi lần muối khoảng 10kg và cho vào cái lơn chứa khoảng 100kg; từ 5 - 6 tháng thì đem đi nấu cho ra nước mắm”, bà Hoa cho biết thêm.
Gia đình anh Phạm Văn Tơ (28 tuổi ở ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cũng có nhiều năm làm nước mắm rươi để bán, sản phẩm hiện có bán trên khắp cả nước, có những lúc thiếu hàng, anh Tơ lấy thêm nước mắm của bà Hoa để giao cho khách.
Anh Phạm Văn Tơ cho biết: “Gia đình tôi làm nước mắm rươi khoảng 6 năm nay, bán trên cả nước với số lượng lớn. Ngoài bán lẻ, tôi còn bỏ sỉ cho các đầu mối, khách hàng rất ưa chuộng”.
Điểm mạnh của sản phẩm là làm từ rươi thiên nhiên, sạch, nguyên chất 100%, không pha chế, khi thành phẩm không chất bảo quản nhưng vẫn giữ được lâu, để càng lâu càng ngon, an toàn cho sức khỏe, nước mắm màu rất bắt mắt, mùi vị thơm.
Lợi thế của sản phẩm nước mắm rươi là sản xuất theo hướng thủ công nên chi phí thấp, giá bán hiện tại là 100 ngàn đồng/lít.
Đây là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu bằng cách làm nước mắm rươi từ con "lộc trời" trong hội viên, phụ nữ, được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đánh giá cao.
Nếu mở rộng về quy mô làm nước mắm rươi, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.
“Nước mắm rươi là một đặc sản của địa phương, hướng tới xã sẽ phối hợp với cô Hoa để xây dựng sản phẩm OCOP; đồng thời, tích cực hỗ trợ cô mở rộng thị trường tiêu thụ nước mắm rươi. Sản phẩm nước mắm rươi của cô Nguyễn Thị Hoa đã đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2022” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức”.
(Bà Hà Thị Tám Tươi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.