Sáng 11/03, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm ra mắt sách "Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam".
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, tọa đàm là diễn đàn khoa học để lắng nghe ý kiến từ phía các nhà nghiên cứu, từ đó có những gợi mở, cách nhìn đa chiều về những sự kiện, vấn đề, con người trong lịch sử; khẳng định công lao, vai trò và vị trí của họ Khúc trong lịch sử Việt Nam, qua đó góp phần truyền lửa, khơi dậy niềm say mê, yêu thích tìm hiểu về lịch sử đất nước, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Đặc biệt là làm rõ hơn nữa vị trí, vai trò của Tam Khúc chúa – Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ trong buổi đầu xây dựng nền tự chủ với nghệ thuật chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc, mềm mỏng, khôn khéo để tránh sự đối đầu với các vương triều phong kiến phương Bắc, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng phòng thủ đất nước.
Theo PGS.TS Trần Thuận – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, lịch sử Việt Nam kể từ khi nhà nước Âu Lạc ra đời năm 179 trước Công nguyên cho đến cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X là một giai đoạn dài, bị phong kiến phương Bắc thống trị hơn 1000 năm (sử gọi là thời kỳ Bắc thuộc). Đầu thế kỷ X, sau một thời gian tập hợp và chuẩn bị lực lượng, năm 905, Khúc Thừa Dụ đã lãnh đạo nhân dân chiếm thành Đại La, tư xưng Tiết độ sứ, xây dựng chính quyền tự chủ của người Việt, đánh dấu cột mốc quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài cho lịch sử dân tộc. Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc trải qua 3 đời Khúc chúa: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ với thời gian tồn tại khoảng 25 năm.
"Từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay, nhiều công trình thông sử, khảo cứu chuyên sâu và các tọa đàm/hội thảo khoc học đều có những nhận định thống nhất về vai trò, vị trí của họ Khúc trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo đó, từ năm 905, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới, thời đại độc lập – tự chủ dưới chế độ phong kiến. Cố GS Phan Huy Lê trong cuốn "Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận" cũng đã cho rằng, sự thiết lập chính quyền tự chủ của họ Khúc đã kết thúc trên thực tế nền thống trị của phong kiến phương Bắc trên đất nước ta nhưng nền độc lập thực sự còn phải có thời gian để xây dựng nền móng và trong tương quan lực lượng lúc ấy, cần hòa hoãn với nhà Đường và Nam Hán, phải tạm giữ một vị thế lệ thuộc về mặt danh nghĩa. Chức Tiết độ sứ của họ Khúc, họ Dương mang ý nghĩa đó về mặt đối ngoại", PGS.TS Trần Thuận cho biết thêm.
Trong tham luận của mình, TS. Lê Đức Hoàng – Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng, lúc Khúc Thừa Dụ dựng cờ dấy nghiệp là một hào trưởng của dòng họ lớn, lâu đời, được nhiều người tin tưởng và có uy tín nhất định đối với các dòng họ khác… Bên cạnh vị thế trong dòng họ và ngoài xã hội, Khúc Thừa Dụ lại là người có "tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn" nên càng tạo được sức ảnh hưởng rộng rãi với nhân dân; có lợi thế tuyên truyền, huy động, tập trung tinh thần và ý chí khôi phục nền độc lập, tự chủ ở muôn dân. Đây chính là một yếu tố rất quan trọng đóng góp vào sự nghiệp trị nước an dân của Khúc Thừa Dụ, đặc biệt là việc thu phục nhân tâm, tạo sự đồng thuận giữa các dòng họ về các việc lớn, ngăn chặn và làm giảm thiểu sự tranh giành ngôi vị, chống đối chính sách của họ Khúc.
Theo TS. Lê Đức Hoàng, nếu Khúc Thừa Dụ là người trực tiếp dựng nền độc lập và trung hưng đất nước thì con trai ông là Khúc Hạo lại có công lớn trong cải cách, củng cố nền độc lập – tự chủ trong bối cảnh lịch sử khó khăn, thách thức, phức tạp. Cụ thể, sau khi Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo nối nghiệp cha, nắm quyền Tiết độ sứ. Năm 907, nhà Lương thay thế nhà Đường, công nhận Khúc Hạo là "An Nam đô hộ, sung Tiết độ sứ". Nhưng đến năm 908, nhà Lương lại cho Lưu Ấn kiêm chức "Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ". Sự mập mờ này của nhà Lương khiến Khúc Hạo rơi vào thế cạnh tranh.
"Trên thực tế, Khúc Hạo một mặt tiến hành đường lối ngoại giao mềm dẻo, cân bằng với những thế lực cát cứ cận kề và chính quyền phong kiến Trung Quốc để hòa hoãn các mâu thuẫn; mặt khác tích cực củng cố và phát triển nội lực, tăng cường sức mạnh cho đất nước", TS. Lê Đức Hoàng nói.
Qua nghiên cứu, TS. Lê Đức Hoàng nhận thấy rằng, sau khi nối nghiệp cha, Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa theo quan điểm "Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui". Cụ thể, về hành chính, bãi bỏ bộ máy đô hộ của nhà Đường, lập bộ máy quản lý riêng, lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan lại, sửa sang thuế má, việc sưu dịch.
Quản lý nhân khẩu bằng cách lập sổ hộ khẩu, buộc dân đinh phải kê khai họ tên, quê quán và giao cho giáp trưởng coi giữ. Chủ trương sửa đổi chế độ tô thuế, thực hiện chính sách "bình quân thuế ruộng" nhằm xóa bỏ sự bất công và áp bức nặng nề của chế độ tô thuế, lao dịch của nhà Đường.
"Cải cách của Khúc Hạo phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ để phát triển đất nước, không chỉ ở việc xưng danh mà còn thực hiện được quyền quản lý của nhà nước, thể hiện ở việc bãi bỏ hệ thống cũ, chính sách cũ, xây dựng hệ thống mới theo ý chí của nhà cầm quyền mới", TS. Lê Đức Hoàng khẳng định.
Theo Ths. Ngô Thị Thu Hoài, cuối năm 917, Khúc Hạo qua đời, Khúc Thừa Mỹ thay cha làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ. Vì những lí do chủ quan và khách quan mà Khúc Thừa Mỹ không duy trì được chính sách thân dân mà Khúc Hạo đề ra trước đó. Vì vậy mà sự ủng hộ của nhân dân có phần suy giảm. Dẫu vậy, người đời sau vẫn nhớ ơn và tôn Khúc Thừa Mỹ là Khúc Hậu chủ, điều đó cho thấy, trong cách nhìn của dân chúng, Khúc Thừa Mỹ vẫn có một vai trò đáng kể, chí ít là giữ vững được nền tự chủ của dân tộc trong 13 năm trước vô vàn khó khăn.
Các chuyên gia đều thống nhất, họ Khúc đã để lại cho lịch sử dân tộc nhiều bài học quý báu. Trước hết là khát vọng giành độc lập trước phong kiến phương Bắc to lớn, tiếp đến là biết chớp thời cơ khi chính quyền phương Bắc rối ren để tiến tới giành độc lập. Quan trọng hơn cả là biết dựa vào sức dân – sau này đã trở thành nguyên lý "chiến tranh nhân dân" được nhà Trần, nhà Lê áp dụng triệt để và thành công.
Cuốn sách Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam do Tiến sĩ Khúc Minh Tuấn chủ biên, tập hợp các bài viết, bài tham luận có giá trị khoa học lịch sử.
Sách gồm 50 bài viết được chắt lọc từ hơn 100 tham luận phản ánh ba nội dung lớn: Sự nghiệp trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X; Hành trạng và công lao của Tam Khúc chúa; Tư liệu liên quan đến công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc. Bên cạnh các bài viết tôn vinh vai trò và công lao của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, nhất là cuộc cải cách mang tinh thần độc lập dân tộc được tiến hành dưới thời Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, có nhiều bài viết triển khai hướng nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá thỏa đáng hơn vai trò của Khúc Thừa Mỹ.