Con đường gốm sứ là công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nằm ven sông Hồng đi qua địa phận quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Con đường gốm sứ bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000m, diện tích 7.000m2. Con đường gốm sứ được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".
Năm 2020, con đường gốm sứ đã phá dỡ một đoạn dài 600m ở ngã ba Xuân Diệu - Nghi Tàm (quận Tây Hồ) để mở rộng đường dẫn cầu Nhật Tân. Sau 13 năm tồn tại, con đường gốm sứ này đang nhận được những phàn nàn không tốt của người dân Hà Nội vì lúc nào cũng trong cảnh nhếch nhác, bong tróc.
Ngày nào cũng đi qua con đường này để sang cầu Long Biên đi làm, anh Nguyễn Minh Hiếu (Hồ Tây, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất tiếc nuối vì hình ảnh xấu xí này, khi con đường này hoàn thành, đây thật sự là một con đường tự hào của mỗi người dân Hà Nội. Thế nhưng, giờ đây, mỗi ngày đi qua tôi chỉ thấy con đường gốm sứ đầy vết loang lổ, bốc mùi hôi hám từ rác thải xung quanh”.
Cũng giống anh Minh Hiếu, chị Lê Thu Hà (Nam Từ Niêm, Hà Nội) cũng buồn khi thấy cảnh tượng con đường gốm sứ không còn như trước, nhìn rất nhếch nhác. Với chị Hà, bản thân chị rất thích con đường gốm sứ đặc biệt này, 13 năm trước, khi nghe tin xây xong, chị Hà liền rủ bạn bè đến đây tham quan, chụp ảnh.
“Để hình ảnh không đẹp này xuất hiện là không tốt, đây là một công trình quan trọng, bộ mặt của Việt Nam. Nếu con đường gốm sứ được chỉnh chu, tu sửa đẹp sẽ giúp khách du lịch và người dân Thủ đô có một nơi rất đẹp để ngắm nhìn, check-in”, chị Hà nói thêm.
Đến Hà Nội du lịch, chị Đặng Kiều Trang (24 tuổi, Cần Thơ) cũng nghe danh con đường gốm sứ dài gần 3000m ở Thủ đô, chị Kiều Trang rất mong chờ đến để ghi lại cho mình những khoảnh khắc đặc biệt. Thế nhưng, khi đến nơi chị cảm thấy có phần hơi tiếc nuối vì công trình văn hóa này đang bị xuống cấp.
Chia sẻ về cảm xúc của mình, chị Kiều Trang nói: “Các bức tranh gốm sứ hỏng hóc, bong tróc sau bao nhiêu năm là điều dễ hiểu vì được làm ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên nó cần được chăm sóc nhiều hơn, mình thấy rất nhiều mùi bốc lên, rác thải khi đi qua con đường này. Bản thân cảm thấy rất tiếc trước cảnh tượng này vì đây là một bức tường rất có giá trị về du lịch”.
Ông Phạm Văn Nam (78 tuổi) cho hay, 13 năm qua ngày nào ông cũng chạy bộ đi qua con đường gốm sứ này để tập thể dục. “Nhiều khi tôi thấy nhiều khách du lịch người nước ngoài đến đây xếp hàng dài, chụp hình, tôi cảm thấy xấu hổ, ngại thay.
Những mảng tường bong tróc, xuống cấp, mùi hôi rác thải đôi khi còn xuyên qua khẩu trang. Thật sự, con đường này cần được sửa chữa, xem xét triệt để, tránh trường hợp vài năm nữa nó không còn hình dáng gì cả”, ông Nam chia sẻ.
Điều đáng nói hơn, con đường gốm sứ này có một đoạn chạy dọc theo chợ đầu mối Long Biên, nơi tập trung của hàng nghìn tiểu thương qua lại kinh doanh buôn bán mỗi đêm. Không ít người trong số họ đã vô tư phóng uế vào con đường gốm dài nhất thế giời này.