Bên trong di tích từng nuôi giấu cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp
Hình ảnh đặc biệt bên trong di tích từng nuôi giấu cán bộ cách mạng kháng chiến chống Pháp
Phương Linh - Nguyễn Tùng
Thứ hai, ngày 13/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Phường Phú Thượng (Hà Nội) đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều địa chỉ, hiện vật đắt giá từ những ngày tháng huy hoàng và một trong số đó là di tích Nhà bà Hai Vẽ ở làng Phú Gia.
Clip di tích cách mạng Nhà bà Hai Vẽ. Thực hiện: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu vực Phú Thượng với vị trí chiến lược quan trọng, thuận tiện trong việc giao thương, di chuyển đường thuỷ, đường bộ nên đã được Đảng chọn là điểm An toàn khu của Trung ương. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Nhà bà Hai Vẽ (nay thuộc số 143 An Dương Vương, phường Phú Thượng, Tây Hồ) từng là cơ sở cách mạng quan trọng, và cũng là nơi làm việc lâu dài nhất của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Từ năm 1941 - 1945, địa điểm này là nơi tạm trú và làm việc của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và nhiều đồng chí cán bộ cách mạng khác. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Ông Vinh, người trông coi di tích hơn 20 năm chia sẻ: "Các bác chọn Nhà bà Hai Vẽ làm cơ sở cách mạng vì gia đình bà vốn không có con cái, lại làm nghề trồng dâu nuôi tằm nên ít người đến chơi vì kiêng vía dữ, sợ tằm bị chết. Hơn nữa, nhà lại ở ngay ven đê sông Hồng, phía đối diện có bến đò Phú Xá nên dễ gặp mặt, trao đổi thông tin". Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Nằm ở dốc nhỏ dưới sông Hồng, di tích cách mạng Nhà bà Hai Vẽ vẫn giữ được nét mộc mạc, bình dị vốn có của nhà truyền thống Bắc Bộ xưa. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Nhà bà Hai Vẽ nguyên bản là một ngôi nhà tranh năm gian lợp lá. Ba gian ngoài làm nơi tiếp khách nghỉ ngơi. Hai gian trong được phân cách bằng bức vách dùng làm nơi nuôi tằm. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Với tính chất bí mật và nghiêm trọng của chiến tranh, nơi đây được bố trí rất nhiều lối thoát hiểm để các cán bộ lẩn trốn khi quân địch kiểm tra. Ngoài chiếc cửa phụ nằm ở gian trong, đằng sau bàn thờ gia tiên cũng cất giấu một mật đạo dẫn thẳng ra bờ sông. Hiện nay, lối đi này đã bị lấp trong quá trình sửa sang đê điều. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Nhiều vật dụng nội thất vẫn còn được lưu giữ như giường, bàn thờ, nong tằm,... Riêng chiếc bàn nhỏ nơi đồng chí Trường Chinh làm việc đáng tiếc đã bị hỏng nên phải bỏ đi. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Ghé thăm di tích Nhà bà Hai Vẽ, du khách còn có thể tham quan khu nhà trưng bày nằm ngay trong khuôn viên. Không chỉ tái hiện những cơ sở, địa điểm cách mạng quan trọng, nhà tham quan còn lưu giữ những trang sử hào hùng, tấm lòng "quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" của người dân Phú Thượng. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Là một di tích lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, nhà bà Hai Vẽ và khu nhà trưng bày nằm đối diện thường được chọn làm nơi học tập, sinh hoạt đoàn, đội của các em học sinh, thiếu nhi khu vực xung quanh. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Theo thời gian, di tích Nhà bà Hai Vẽ đã có dấu hiệu xuống cấp và nhiều vật dụng đã bị hỏng. Ông Vinh cho biết, chính quyền địa phương đã hoàn thiện dự án cải tạo khu di tích và sẽ sớm đi vào cải tạo trong thời gian sắp tới. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.