Tâm lý giao dịch kém sắc trong phiên sáng nay có thể đến từ việc thị trường phản ứng với thông tin Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, lực cầu sau đó dần giúp chỉ số chính cân bằng trở lại, VN30-Index có thời điểm đã trở lại vùng giá xanh nhờ giao dịch tích cực của một số bluechip như VPB, NVL, VRE, VHM, MSN, MWG SAB, VNM.
Chiều ngược lại, BID, CTG, HPG, MBB là những lực cản chính của thị trường.
Rổ VN30 thời điểm này sắc đỏ chiếm đa số với 22 mã giảm, 7 mã tăng và 1 mã đứng giá.
Tính đến 9h35, VN-Index giảm 2,38 điểm (0,23%) về 1.050,62 điểm, HNX-Index giảm 0,73 điểm (0,35%) còn 207,13 điểm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (0,28%) xuống 76,56 điểm.
Thời điểm này, thị trường xuất hiện thêm thông tin về Signature Bank - ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới, đã bị nhà chức trách nước này đóng cửa vào ngày Chủ nhật (12/3).
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đã có 3 ngân hàng của Mỹ sụp đổ (trước đó, vào hôm thứ Tư tuần trước, ngân hàng tiền ảo lớn thứ hai là Silvergate Bank tuyên bố đóng cửa. Và mới đây, Silicon Valley Bank (SVB) cũng sụp đổ).
Phản ứng trước các thông tin này, nhiều mã ngân hàng lại quay đầu, thời điểm này chỉ có hiếm hoi hai mã LPB và VPB tăng.
Sở dĩ, hai mã chứng khoán ngân hàng này tăng là nhờ các thông tin tích cực. Trong đó, với VPBank, Hãng tin Bloomberg đã thông tin về việc VPBank này đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản với giá khoảng 1,4 tỷ USD.
Trong khi đó, với LPB, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sẽ bán đấu giá hơn 140,5 triệu cổ phần tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu.
Ước tính ở mức giá bán này, VNPost sẽ thu về khoảng 3.218 tỷ đồng nếu phiên đấu giá diễn ra thành công. Thông tin này được cho rằng sẽ có lợi cho LPB.
Càng về cuối phiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dần hồi phục phiến chỉ số VN-Index quay về tham chiếu và tăng nhẹ.
Tính đến 11h00, VN-Index tăng 0,15 điểm (0,01%) lên 1.053,15 điểm, VN30-Index tăng 3,39 điểm (0,32%) đạt 1.050,59 điểm.
Thời điểm này, VPB đóng góp hơn 3,5 điểm và là mã đóng góp lớn nhất giúp chỉ số chung không giảm sâu hơn. Trong khi đó, chiều ngược lại thì HPG và STB hiện là mã tác động tiêu cực nhất đến VN30-Index khi lấy đi gần 1 điểm.
Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 2,36 điểm, đạt 1.055,36 điểm; HNX-Index giảm 0,82 điểm, còn 207,04 điểm.
Rổ VN30 với sắc đỏ chiếm ưu thế khi có 14 mã giảm, 13 mã tăng và 3 mã giữ giá tham chiếu.
Các mã cổ phiếu VHM, VPB và VRE là những mã có tác động tích cực nhất khi đóng góp 4 điểm chỉ số. Chiều ngược lại, BID, VCB và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số này.
Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt hơn 318 triệu đơn vị, với giá trị hơn 5,4 nghìn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt gần 29 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt gần 417 tỷ đồng.
Về giao dịch của khối ngoại, nhóm này trong phiên sáng nay mua ròng 288,74 tỷ đồng.
Theo bà Hoàng Lê Ngọc Hiệp, chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, một trong ba thông tin kỳ vọng hiện tại cho VN-Index, bên cạnh Nghị định 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II vào Việt Nam từ 15/3/2023, là động lực đến từ dòng vốn Ngoại.
Cụ thể, liên quan đến việc Fubon ETF chính thức được phê duyệt đợt gọi vốn bổ sung lần thứ 5, qua đó dự kiến mang lại dòng tiền mua ròng mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, Fubon FTSE Việt Nam - quỹ ETF lớn thứ hai về giá trị tài sản ròng, đã tăng vốn thành công thêm 5 tỷ Đài tệ (~3.800 tỷ đồng) và dòng vốn này có thể chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 3 này.
Ngoài ra, VanEck Vietnam ETF (V.N.M ETF) sẽ thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index (với 80% là cổ phiếu Việt Nam) sang MVIS Vietnam Local Index (với 100% là cổ phiếu VN) kể từ ngày 17/3/2023 trở đi.
Như vậy, V.N.M ETF có thể mua khoảng 2.300 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam (~20% giá trị tài sản ròng hiện tại).
"Tổng cộng, dòng tiền khoảng 6.100 tỷ đồng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài tuần tới, và có thể chấm dứt hoạt động bán ròng của khối ngoại", bà Hiệp thông tin.