Theo thông tin từ liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương, từ 15 giờ hôm nay, ngày 13/3, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng đồng loạt. Cụ thể xăng RON 95 III tăng 490 đồng, lên mức 24.280 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng, giá bán là 23.250 đồng/lít; dầu diesel tăng 250 đồng lên mức 20.910 đồng/lít; dầu hoả tăng 240 đồng lên mức 21.120 đồng/lít.
Số liệu cập nhật và các dự báo đều cho thấy, giá xăng dầu trong nước chiều nay có thể được điều chỉnh tăng nhẹ.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đến 10/3 đều có xu hướng tăng, xăng RON 95 tăng nhẹ lên 98,15 USD/thùng, xăng E5 RON 92 về 93,96 USD/thùng, dầu diesel là 101,24 USD/thùng.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đưa ra dự đoán, giá xăng bán lẻ ngày 13/3 tăng nhẹ so với giá hiện hành.
Trước đó, do ngày 11/3 (kỳ điều chỉnh xăng dầu rơi vào ngày thứ 7 (ngày nghỉ) nên kỳ điều hành xăng dầu được chuyển sang ngày thứ 2, 13/3. Chính vì vậy, nên nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho hay đã có hiện tượng đầu mối, thương nhân "bóp" chiết khấu, hạn chế cung xăng dầu để chờ giá xăng dầu tăng.
Trả lời PV Dân Việt, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phía Nam cho biết, họ bị đối tác là đầu mối, tổng đại lý giảm lượng cung hàng, thậm chí "bóp" chiết khấu trong thời điểm cận ngày điều chỉnh giá.
Theo nhiều doanh nghiệp, nhập đơn, mua xăng dầu ngày cận điều chỉnh giá vẫn khó khăn, một số thương nhân, tổng đại lý không cho doanh nghiệp lấy nhiều xăng trong thời điểm cận ngày điều chỉnh giá, nhất là khi xăng dầu có xu hướng tăng giá. Ngoài ra, các lý do được đầu mối, thương nhân đưa ra là xe chậm, hỏng xe, khó khăn vận chuyển xăng dầu đến đại lý cũng diễn ra.
Ông Giang Chấn Tây, chủ doanh nghiệp xăng dầu tại Trà Vinh cho rằng: Nếu không quy định chiết khấu tối thiểu, không phân chia chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức theo một tỷ lệ rõ ràng thì nghị định mới cần quy định sòng phẳng là giá bán buôn của doanh nghiệp đầu mối phải nhỏ hơn 95% gián bán lẻ và không được lợi dụng đưa các loại chi phí khác vào để cộng chung với giá bán buôn lại lớn hơn giá bán lẻ. Thứ hai, là cho doanh nghiệp bán lẻ được nghỉ bán hàng nếu thấy kinh doanh không có lãi. Khi sòng phẳng như vậy thì khỏi cần phải lập luận quanh co là phục vụ cho người tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô chung chung thì không thuyết phục, không nhận được sự đồng tình và tôn trọng của doanh nghiệp.
Trước đó, tại một toạ đàm về điều hành xăng dầu ở Hà Nội, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp khẳng định những bất cập rất lớn của thị trường xăng dầu hiện nay là tính thị trường không được đảm bảo, có sự can thiệp nhiều của hành chính nhà nước; việc đổ lỗi, đá bóng trách nhiệm của các bên liên quan khiến quản lý xăng dầu đang khó khăn.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Doanh nghiệp bán lẻ không thể đổi lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả (Bộ Tài chính): Hiện chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu. Vấn đề hiện nay là giá, chúng ta đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Tiếp đến là hệ thống kinh doanh xăng dầu chưa ổn. Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm 70% hệ thống.
Theo ông Vũ Đình Ánh: Một tình trạng rất buồn là hiện nay các cơ quan điều hành đang "đá bóng" cho nhau khiến hệ thống phân phối chịu trận. "Chúng tôi yêu cầu sửa luôn cơ quan quản lý giá xăng dầu, cụ thể hơn là Bộ Tài chính chuyển về cho Bộ Công Thương. Tôi tin Bộ Công Thương sẽ có cách điều chỉnh giá nhịp nhàng, phù hợp hơn", ông Ánh nói.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính "Việc xác định chu kỳ điều chỉnh giá, cần giảm xuống như đề xuất của Bộ Công Thương. Ngoài ra, quy định của Nghị định 95/2021 cho phép lùi thời gian điều chỉnh ngày lễ tết sang ngày khác là rất vô lý, khiến doanh nghiệp chết oan".
PGS TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Chính phủ giao việc cho hai Bộ cùng quản lý đáng ra phải thực hiện tốt. Tuy nhiên, lần này cơ chế đang có vấn đề, đừng cố gắng đổ lỗi, phải xác định và vượt qua nó thế nào? Theo ông Thiên, bên nọ đổ cho bên kia sẽ khiến doanh nghiệp nay đã yếu lại càng yếu hơn.