Đó là anh nông dân Vừ A Say, dân tộc Mông, bản Tinh Lá, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Anh Vừ A Say cho hay, cách đây ít hôm, tôi và gia đình lên nương đào sắn để mang về thái phơi khô bán cho thương lái. Tuy nhiên, khi đào thì thấy những bụi sắn quá lớn, ăn rất sâu xuống đất nên phải nhờ người thân đào giúp.
Nương sắn của gia đình tôi trồng được khoảng 3 năm nay bằng giống sắn lai, với diện tích khoảng 1ha. Do năm nay giá sắn ổn định nên gia đình tôi mới đi đào bán cho thương lái.
Theo anh Say, vụ sắn năm nay anh đào được 3 củ sắn "khủng", dài khoảng 2m, củ nặng nhất khoảng 10 kg trở lên. Khi đào gốc sắn nhận thấy củ dài, anh Say dùng cuốc đào sâu hai bên từng chút một, cẩn thận, mất khoảng hơn 30 phút anh Say mới lấy được củ sắn lên khỏi mặt đất.
Hiện tại giá sắn phơi khô đạt 50 nghìn đồng/10 kg; còn giá sắn tươi được 17 nghìn đồng/10 kg. Đến nay, gia đình anh Say đã bán được 4 tấn sắn khô, thu về 20 triệu đồng.
Anh Vừ A Lồng (em trai anh Say) chia sẻ: Hôm vừa rồi, gia đình tôi sang nhà anh trai đào giúp ít sắn để bán cho thương lái. Khi tôi cùng các con đào được một lúc thì phát hiện một củ sắn khủng, thân to như một con trăn, chiều cao hơn tôi, vì bản thân tôi chỉ cao hơn 1,4m nên ước chừng củ sắn này dài khoảng 2m đấy. Từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy củ sắn to nhất như thế này.
Xã vùng cao Pá Lông cách trung tâm huyện Thuận Châu khoảng 50km, đây là một trong những xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu (Sơn La), với gần 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Với đặc thù là xã vùng núi cao, người dân chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn để nâng cao thu nhập.