người dân không chỉ biết sống dựa vào việc săn bắn, đánh bắt cá hay phá rừng mà họ tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng của địa phương, xây dựng nông thôn mới trở thành vùng quê đáng sống.
Biến "rốn lũ Tân Hóa" thành làng du lịch cộng đồng
Tiếp PV Dân Việt tại sảnh của khu lưu trú thích ứng thời tiết Tú Làn Lodge – một sản phẩm du lịch mới của Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis). Khách sạn nằm trên triền núi thôn Yên Thọ, xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), từ nơi này nhìn ra, phía trước là cánh đồng cỏ rộng lớn được ôm trọn bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ, xẻ ngang giữa thung lũng là con sông Rào Nan hiền hòa, xanh màu ngọc bích.
Anh Lê Vũ Bảo – Trưởng phòng điều hành Tân Hóa (thuộc Công ty Oxalis) nói rằng: "Chúng tôi muốn xây dựng Tân Hóa thành làng du lịch cộng động và trở thành trung tâm du lịch ở phía tây bắc Quảng Bình".
Trải nghiệm nông thôn vùng rốn lũ
Anh Lê Vũ Bảo chia sẻ: "Khi xây dựng Tú Làn Lodge, công ty tính toán và dựng công trình cao hơn mực nước lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn Tân Hóa vào năm 2010. Điều này giúp công trình đứng vững trong mùa lũ và du khách có thể đến lưu trú, chèo thuyền trải nghiệm thực tế.
Đặc biệt, công trình sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho bà con Tân Hóa lúc lũ dâng cao, khi đó, chúng tôi sẽ phục vụ nhu yếu phẩm, chỗ ở miễn phí cho người dân vùng quê này", anh Bảo nói.
Clip: Người dân Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về việc nấu ăn tại nhà cho khách du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những mô hình nhằm thúc đẩy các tiến bộ trong xây dựng nông thôn mới ở đây. Clip: Trần Anh
Theo anh Lê Vũ Bảo, du khách đến tham gia các tour khám phá hang động Tú Làn, sau khi ra khỏi cánh rừng sẽ có cơ hội lưu trú tại Tú Làn Lodge.
"Trước câu hỏi làm sao để níu chân du khách ở lại Tân Hóa không chỉ một đêm mà còn dài ngày hơn nữa. Công ty đã mở thêm các hoạt động du lịch có sự tham gia của người dân bản địa. Tại Tú Làn Lodge, chúng tôi có xe đạp và du khách sẽ được tham gia hoạt động đạp xe quanh các cánh đồng quê hay con đường làng và trò chuyện với người dân bản địa, sau đó, du khách được trải nghiệm ăn tối tại nhà dân", anh Bảo cho hay.
Không dừng lại ở lời kể, anh Bảo dục PV đứng dậy rồi đi cùng anh xuống sân lấy ngay 2 chiếc xe đạp để PV và anh đi trải nghiệm thực tế.
Đạp xe trên các con đường làng ở Tân Hóa, PV Dân Việt ghi nhận được cảnh nông thôn rất đỗi bình dị ở vùng quê này. Phần lớn nhà dân làm bằng những tấm gỗ tạm, phía trên lợp ngói và đã nhuốm màu thời gian, cạnh bên, người dân nơi đây còn làm một nhà phao để phòng lúc lũ tới còn có nơi cất tài sản và trú ngụ. Đáng chú ý, người dân nơi đây dành khoảng đất trống trước nhà để trồng rau, nông thôn nơi này hiện lên đẹp như phim.
Và quả thật, phong cảnh sơn thủy hữu tình ở địa phương này đã được các đoàn làm phim chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng, như: Người Bất tử; Truyền thuyết về Quán Tiên hay phim Kong – Đảo Đầu lâu của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Thời điểm đạp xe, đúng giờ tan trường của học sinh, PV bất ngờ khi thấy các em nhỏ mạnh dạn vẫy tay chào du khách và không quên buông câu "Hello", hành động nhỏ này tạo cho du khách cảm giác gần gũi, như được chào đón, thể hiện sự thân thiện của người dân dành cho khách du lịch.
Ăn tối tại nhà dân, thưởng thức các món đặc sản
Vừa đạp xe, anh Bảo vừa chia sẻ: "Dịch vụ ăn tối tại nhà dân được Oxalis triển khai vào cuối năm 2022, đến nay, có 5 nhà dân tham gia. Hoạt động này nhằm tăng thêm trải nghiệm thú vị cho du khách, vừa chia sẻ lợi ích, tạo cơ hội để người dân Tân Hóa tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ của Oxalis".
"Đến ăn tại nhà dân, du khách được thưởng thức các món đặc sản, như: cơm bồi, ốc, cá thính… do chính bàn tay của người dân địa phương làm ra. Bên cạnh đó, du khách còn được nghe người dân chia sẻ về cách làm các món ăn hay câu chuyện chạy lũ, sống chung với lũ như thế nào, qua đó, khắc họa được đời sống mà người dân nơi đây trải qua", anh Bảo nói.
Lát sau, anh Bảo dẫn PV tới nhà ông Trương Sơn Bài (72 tuổi, ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Ông Bài nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, nay về hưu ông cùng vợ phụ giúp các con nấu ăn phục vụ khách du lịch.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Trương Sơn Bài cho biết: "Những ngày qua, tôi dành một buổi trong ngày để phụ giúp cho con tôi nấu ăn phục vụ khách du lịch. Khi các món ăn chuẩn bị xong, hơn 5 giờ chiều, một nhóm du khách sẽ tới nhà để dùng bữa. Trong lúc ăn, tôi sẽ giới thiệu về món ăn và cách để làm ra món đặc sản đó, nhiều lúc cuốn quá tôi còn kể cho du khách nghe về những kỉ niệm thời xa xưa, hay lúc chạy lũ dữ.
Câu chuyện của chúng tôi thường kéo dài tới tối muộn, tiếng cười nói của bà con địa phương cùng du khách như xé toang không gian tĩnh mịch của miền quê nghèo này. Bởi lẽ, không có khách du lịch tới nhà thì bây giờ chúng tôi đã tắt đèn đi ngủ, chỉ còn tiếng ve, ếch, nhái kêu giữa màn đêm tối mịt".
Theo ông Trương Sơn Bài, để có được một bữa ăn ngon phục vụ du khách, mỗi thành viên trong gia đình đều tham gia các lớp tập huấn về chế biến món ăn, đồng thời tìm hiểu về văn hóa ẩm thực từng vùng miền, rồi cẩn trọng trong từng khâu chế biến, phục vụ.
Bà Đinh Thị Lài (73 tuổi, vợ ông Bài) chia sẻ: "Công việc nấu ăn phục vụ khách du lịch không quá vất vả, còn mang lại cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Khi được gặp, được trò chuyện với du khách, đặc biệt là người nước ngoài đến nhà dùng bữa tôi thấy mừng lắm. Miền quê trở nên nhộn nhịp hẳn, nông thôn mới ngày càng tươi đẹp hơn".
"Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn", ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023.