Thì ra động Phong Nha ở Quảng Bình xưa kia mang tên Tiên Sư, thần động được dân thờ cũng tên là Tiên Sư

Thứ sáu, ngày 10/03/2023 05:00 AM (GMT+7)
“Linh hồn” của động Phong Nha (Quảng Bình) là vị thần chủ lấy động này làm trú sở để bảo trợ dân lành trong khu vực. Từ ngày xửa ngày xưa, ngài đã được các thế hệ cư dân quanh vùng trang Phong Nha trao truyền cho nhau sự kính ngưỡng, thờ phụng, được triều đình nhà Nguyễn phong thần, ban thần hiệu...
Bình luận 0
 Hệ thống hang động vùng Phong Nha-Kẻ Bàng không những có giá trị địa chất, địa mạo, giá trị tự nhiên toàn cầu, mà còn có giá trị thắng cảnh, giá trị văn hóa, tâm linh phong phú, trong đó, động Phong Nha là một trong những hang động có “linh hồn” nhất.
 
“Linh hồn” của động Phong Nha là vị thần chủ lấy động này làm trú sở để bảo trợ dân lành trong khu vực. Từ ngày xửa ngày xưa, ngài đã được các thế hệ cư dân quanh vùng trang Phong Nha trao truyền cho nhau sự kính ngưỡng, thờ phụng, được triều đình nhà Nguyễn phong thần, ban thần hiệu và cho đến tận bây giờ, những người làm du lịch đương đại vẫn còn chú trọng, tôn dựng cho ngài một ngôi đền riêng để tá túc mà làm yên lòng du khách: Tiên Sư tự.
 
Theo các nguồn tư liệu hiện có, thoạt kỳ thủy, động chưa mang tên Phong Nha, mà được người bản địa gọi bằng các tên Nôm thân thuộc và gần gũi: Động Troóc, động Cù Lạc, chùa Hang, chùa Nghe, đã được học giả L. Cadière ghi lại hồi đầu thế kỷ trước; còn các bộ chính sử triều Nguyễn Đại Nam nhất thống chí (1865) ghi là Tự Cốc (động Chùa), Đồng Khánh dư địa chí (1887) ghi là động Tiên Sư, tên vị thần trú nhậm ở đây: 仙 師 峒: 在 峰 衙 庄 地 分 (Tiên Sư động: Tại Phong Nha trang địa phận-động Tiên Sư [Thầy Tiên] ở địa phận trang Phong Nha).
 
Dưới triều Nguyễn, địa danh “Phong Nha” xuất hiện trong chính sử từ thời vua Gia Long, ở sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) và các bộ quốc sử khác kế tiếp. 

Các bộ chính sử này, trước sau đều chép đó là địa danh của một làng xã hành chính: Trang Phong Nha (tương đương vùng xã Sơn Trạch cũ), chứ không phải tên hang động. Nguyên tác chữ Hán trong sách Đồng Khánh dư địa chí chép địa danh Phong Nha bằng hai chữ có tự dạng 峰 衙, trong đó chữ 峰 (phong) có nghĩa là: “ngọn núi, đỉnh núi”, chữ 衙 (nha) có nghĩa là: “sự vật bày thành hàng lối”, theo đó, địa danh “Phong Nha” có nghĩa là: “những đỉnh núi xếp hàng liền nhau trùng điệp”. 

Thì ra động Phong Nha ở Quảng Bình xưa kia mang tên Tiên Sư, thần động được dân thờ cũng tên là Tiên Sư - Ảnh 3.

Phục dựng rước nước tiên trong lễ hội chùa Nghe (Tiên sư tự) trên sông Son-Phong Nha (Quảng Bình).

Có đứng ở địa phận trang Phong Nha (Sơn Trạch cũ), hoặc ở giữa sông Son mới thấy được đầy đủ độ “phong nha” hùng vĩ của những đỉnh núi xếp hàng liền nhau trùng điệp bao bọc gần như tứ phía làng và từ đó mới cảm nhận được hết sự tài tình, thâm hậu của cha ông khi đặt tên cho địa danh.
 
Như vậy, từ đây chúng ta có thể đoán định rằng, “động Tiên Sư ở địa phận trang Phong Nha”, vì lý do nào đó mà cải đổi thành “động Phong Nha” như hiện có, thì sớm nhất cũng chỉ từ khoảng năm 1890 trở về sau, khi sách Đồng Khánh dư địa chí được biên soạn xong, theo cách phát sinh trên cơ sở tỉnh lược cụm từ: “động ở trang Phong Nha” thành “động Phong Nha”, chứ không phải người xưa dựa vào hình dạng, đặc điểm, ý nghĩa của hang động mà trực tiếp đặt tên “Phong Nha” cho hang động này từ đầu.

Đây là một trong những cách đặt địa danh có cấu trúc khá phổ biến trong tiếng Việt, cho đến tận ngày nay: Chùa Quảng Xá, đồi cát Quang Phú, cầu Nhật Lệ, chợ Ba Đồn… 

Thời kỳ đầu khi tỉnh Quảng Bình được tái lập, trong quá trình khôi phục, phát triển du lịch động Phong Nha, một số tài liệu quảng bá cho hang động này lưu truyền trên môi trường điện tử, cũng như một số lời thuyết minh cho rằng “Phong Nha” có nghĩa là “răng của gió”, với hàm ý giải thích những thạch nhũ trong hang động là do gió vi vút thổi qua mà thành. 

Cách chỉ dựa vào phiên âm chữ Hán mà giải nghĩa này theo chúng tôi cần phải được chứng minh thấu đáo, bởi theo ngữ nghĩa trên, thì nguyên gốc chữ Hán tương ứng phải là 風 牙, nhưng những Hán tự này không thấy xuất hiện trong Đồng Khánh dư địa chí cũng như các bộ quốc sử nhà Nguyễn khác khi chép về địa danh Phong Nha.

Với vị thần trú nhậm ở động Thầy Tiên (sau này là động Phong Nha), trước hết về danh tính, vị thần có mỹ tự “Tiên Sư”, hẳn nhiên là do triều đình ban tặng. Điều cần lưu ý là bản chữ Hán sách Đồng Khánh dư địa chí thể hiện mỹ tự “Tiên Sư” của ngài bằng hai chữ 仙 師, với chữ “tiên” 仙 có bộ “nhân đứng” để chỉ “ông tiên” hoặc “người tu luyện trên núi thành sống lâu, siêu thoát”, chứ không phải bằng chữ “tiên” 先 với nghĩa “đầu tiên, thứ nhất”, như trước đây từng có các ý kiến thảo luận. 

Về nhân dáng vật chất của ngài, các sách cổ (Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí) đều chép đó là những tượng đá, tảng đá giống hình người, tượng đá giống Phật Quan Âm, tượng đá hình Tiên Tử, bàn cờ đá…, tựu trung là đá, và hầu hết đã bị gãy vỡ, mai một.

Nhìn cảnh tượng này, những người làm sách Đồng Khánh dư địa chí phải thốt lên rằng: “Di tích ngàn thu chỉ còn lưu lại cái tên Tiên Sư (Thầy Tiên), rốt cuộc thì cũng chẳng biết rõ thời đại họ tên thế nào”. 

Mặc dù vậy, trên thực tế, thần vẫn được “dân trong xã lập đàn phụng thờ” từ trước đó rất lâu rồi, bởi niềm tin vào sức mạnh thần linh của ngài. 

Trước thần lực có sẵn và đã ngấm sâu trong dân gian ấy, đến lượt mình, nhà Nguyễn hai lần tặng và gia tặng tôn hiệu cho ngài: “Tiền triều sắc tặng Hiển linh chi thần (…), năm Minh Mạng thứ năm (1824) gia tặng Diệu Ứng chi thần”, để tỏ rõ quyền uy tối thượng của nhà vua, để nối dài sự quản trị làng quê của triều đình qua hệ thống thần linh, và chắc chắn cũng có lời gửi gắm cho ngài phải “bảo ngã lê dân” (bảo vệ, che chở cho dân của ta), như trong mẫu cố định các sắc phong thần khác còn lại mà chúng ta được tiếp cận.        

 Theo học giả Cadière, chứng tích thờ cúng thần thánh nơi đây là của người Chàm ngày trước. Khi người Việt di dân vào đây vẫn còn tiếp tục thờ thần của động, bởi có yếu tố gần gũi với tục thờ đá của người Việt và sau đó mới dần Việt hóa vị thần này. 

Lễ tế cầu mưa trước cửa hang được Cadière ghi lại là thu hút đông người và rất náo nhiệt: “Hội đủ cư dân trong vùng đến bằng đường sông vừa chèo vừa xướng “Hô mưa! Hô mưa!””.

Ngoài lễ vật, văn tế cúng thần, còn có một con chó để ném xuống sông. Đây không phải tục hiến tế mà chỉ là hành vi nhằm làm bẩn khúc sông, buộc thần phải làm mưa để rửa đi sự xú uế nơi trú ngụ của mình. 

Sự khiêu khích thần linh khi cầu mưa không được thần đáp ứng là hành vi phổ biến của người Việt ở nhiều miền quê và thường là người ta đem phơi nắng sắc phong của ngài, do vậy, tục dìm nước con chó của cư dân trang Phong Nha là khá khác biệt.

Nhiều năm trước, cơ quan chức năng và các nhà chuyên môn tỉnh Quảng Bình tổ chức phục dựng lễ hội cầu mưa-rước nước tiên trước cửa động Phong Nha với tên gọi “Lễ hội đền Nghe”. Hoạt động này nhằm bảo tồn một giá trị phi vật thể quý giá còn lại liên quan đến hang động tự nhiên Phong Nha, đồng thời tạo sản phẩm phục vụ du lịch. Đây là một ý tưởng tốt và theo chúng tôi là cần phải tiếp tục và sớm hoàn thiện sản phẩm.
 
Tết đến xuân về, trong khói hương trầm, giữa những người thân ấm áp, nói chuyện tổ tiên, thần linh là phải cách. Đó cũng là sự tri ân các bậc tiền hiền. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, con người văn minh hiện đại, nên đã loại đi nhiều những yếu tố mê tín dị đoan trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, những tưởng tượng, ước mơ của người xưa còn đọng lại đến nay, hầu hết đã thành văn hóa, thành mỹ tục, thành giá trị truyền thống, bồi đắp nên tâm hồn Việt giàu chất nhân văn, thì cần phải quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát triển để phục vụ dân sinh.

 
Trần Hùng (Báo Quảng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem