Sản xuất theo quy trình VietGAP hiểu một cách nôm na là sản xuất sạch, yêu cầu đối với nông dân trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, thực phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có tác động gây hại đến cộng đồng, môi trường, tạo sự phát triển bền vững cho các vụ tiếp theo.
Không dễ để được cấp giấy chứng nhận VietGAP
Xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) được xem là vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội. Riêng vùng rau do Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức quản lý sản xuất đã có diện tích gần 240ha. Mặc dù vậy, diện tích được cơ quan chuyên môn Sở NNPTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP chỉ khoảng 37ha (chiếm gần 15,5% tổng diện tích canh tác của hợp tác xã- HTX).
Tương tự tại HTX Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức), dù tổng diện tích canh tác rau các loại nơi đây lên tới hơn 200ha nhưng phần diện tích được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP mới đạt hơn 30ha. Khoảng 500 nông hộ của vựa rau đang cung ứng cho thị trường gần 3.000 tấn sản phẩm, chủ yếu là rau cải, rau dền, rau muống, rau mồng tơi...
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 13.000ha sản xuất rau, củ, quả các loại. Mặc dù vậy, hiện mới chỉ có gần 200ha (chiếm hơn 1,5% tổng diện tích canh tác rau, củ, quả toàn thành phố) được cấp giấy chứng nhận VietGAP; tập trung tại các vựa rau lớn của Hà Nội thuộc các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức… Điều này phần nào cho thấy mức độ khắt khe trong việc cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội dự kiến hỗ trợ chứng nhận thực hành sản xuất tốt (VietGAP) đối với 33 cơ sở trồng trọt. Trong số này, có 12 cơ sở quy mô nhỏ (dưới 2ha), 12 cơ sở quy mô trung bình (từ 2 - 5ha) và 9 cơ sở quy mô lớn (từ 5ha trở lên).
Giám đốc HTX Nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, để được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đơn vị phải bảo đảm các quy định sản xuất hết sức nghiêm ngặt theo TCVN 11892-1:2017: Tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt do Bộ KH&CN công bố. Cán bộ thuộc Sở NNPTNT Hà Nội cũng thường niên kiểm tra việc chấp hành, chỉ cần chưa thực hiện đúng một công đoạn là ngay lập tức bị "tuýt còi".
Tính riêng trong năm 2022, đã có 22 mô hình trồng trọt với quy mô hơn 125ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đáng chú ý, các mô hình canh tác theo hướng VietGAP hiện nay khá đa dạng. Ngoài sản phẩm phổ biến là lúa và các loại rau củ, còn có nấm, chanh leo và nhiều loại trái cây như: Bưởi, nho, ổi, táo...
Tiêu thụ còn nhiều khó khăn
Việc được chứng nhận là vùng canh tác VietGAP tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể chuẩn hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận sâu rộng thị trường. Dù vậy, việc nhân rộng những vùng canh tác theo hướng VietGAP không phải là điều dễ dàng. Nguyên nhân quan trọng, theo Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Tiến Thịnh, sản phẩm VietGAP vẫn khó tiếp cận với hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện ích... khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
"Các sản phẩm rau củ quả sản xuất theo hướng VietGAP nếu bán lẻ ngoài chợ hoặc đổ cho thương lái mua buôn thì giá trị không quá chênh lệch so với sản phẩm tạo ra từ phương thức canh tác truyền thống. Điều này khiến một bộ phận người dân không mấy mặn mà, nhất là khi phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt về thực hành nông nghiệp tốt" - ông Thịnh đánh giá.
Thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Nội, những diện tích canh tác theo hướng VietGAP do các HTX quản lý sản xuất chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, vai trò bao tiêu, kết nối tiêu thụ sản phẩm VietGAP trồng trọt cho thành viên của các HTX là chưa nhiều. "Hiện nay, HTX mới hỗ trợ tiêu thụ được khoảng 10% tổng sản lượng rau của thành viên. Về cơ bản các thành viên vẫn phải tự tiêu thụ, kể cả đối với những diện tích canh tác theo hướng VietGAP" - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội - Nguyễn Thị Thu Hằng, để thúc đẩy phát triển các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP, đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Thông qua các chương trình, nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản giữa các chủ thể sản xuất VietGAP của Hà Nội và đơn vị tiêu thụ đã được ký kết.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, trong năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi các vùng sản xuất truyền thống sang canh tác theo hướng VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chủ thể sản xuất - kinh doanh, cũng như người tiêu dùng về ý nghĩa của việc sử dụng những sản phẩm trồng trọt VietGAP đối với an toàn sức khỏe.