Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2023 được tổ chức trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 19/3 đã thu hút gần 20.000 học sinh, phụ huynh tại Hà Nội và các tỉnh lân cận tham dự.
Trong buổi thảo luận, một phụ huynh đặt câu hỏi: "Năm nay con trai tôi bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Đứng trước sự thay đổi cực lớn của công nghệ thông tin, dự đoán trong tương lai rất nhiều ngành nghề sẽ biến mất. Con tôi đang rất thích học kế toán nhưng dự đoán đây là một trong số ngành sẽ biến mất trong tương lai. Gia đình rất băn khoăn nên đi thế nào cho đúng. Tôi xin hỏi lãnh đạo trong các nhà trường đã có định hướng giáo dục cho sinh viên trong tương lai thế nào, để khi vài năm nữa các em đáp ứng xu thế của xã hội, vững vàng trong cuộc sống?".
Trước câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch hội đồng trường Học viện Tài chính, cho rằng: "Tất cả các ngành, kể cả tài chính ngân hàng, kế toán đều sử dụng ứng dụng AI rất nhiều. Công nghệ thông tin giúp những việc ban đầu được giảm bớt. Thế nhưng phải khẳng định, những phần việc quan trọng là phân tích, tư vấn thì cần phải có con người.
Các trường đại học là nơi cập nhật, ứng phó nhanh nhất để cho ra những ngành đạo tạo tốt nhất. Vì vậy phụ huynh yên tâm cho con đăng ký học vì các ngành nghề vẫn đang phát triển".
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, chia sẻ: "Công nghệ không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm. Máy móc không bao giờ có thể thay thế được những phần việc mà chỉ có con người mới thực hiện được".
Cũng trong ngày hội tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT chia sẻ: "Tôi nhận được câu hỏi của nhiều thí sinh là đã được xét trúng tuyển vào nguyện vọng 1 nhưng em không nhập học 1 thì em có được xét vào nguyện vọng 2, 3, 4 hay không? Tôi khẳng định là: Không".
Theo bà Thủy, các em đã xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ 1 đến hết thì các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể. Còn những vị trí khác dành cho các bạn khác có cơ hội trúng tuyển. Nếu nguyện vọng sau em vẫn trúng tuyển thì sẽ không giải quyết được bài toán lọc ảo. Nếu các em đã yêu thích ngành nào, trường nào thì hãy đặt lên nguyện vọng đầu tiên.
Một phụ huynh đặt câu hỏi, nếu như thí sinh trúng tuyển ở phương thức xét tuyển sớm nhưng không đặt ở nguyện vọng 1 mà ở nguyện vọng sau. Nếu trượt nguyện vọng 1 thì liệu thí sinh còn có cơ hội trúng tuyển hay không?
Trước câu hỏi này, bà Thủy khẳng định, các em được đăng ký xét tuyển sớm ở nhiều trường. Giả sử em trúng tuyển sớm 5 nguyện vọng trong số những trường xét tuyển sớm. Nếu em không đăng ký những nguyện vọng đã trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1 trên hệ thống chung của Bộ thì những nguyện vọng này vẫn được tính.
Bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: "Chúng tôi khuyến cáo các trường không được yêu cầu thí sinh đặt nguyện vọng xét tuyển sớm là nguyện vọng 1 thì mới trúng tuyển. Bởi vì như vậy là vi phạm nguyên tắc công bằng, trái quy chế và làm giảm cơ hội cho các thí sinh. Trừ các khối trường công an, quân đội sẽ có quy định riêng trong việc xét tuyển".
Thượng tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký ban tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng thông tin, các trường Quân đội chỉ tuyển sinh nguyện vọng 1. Vì thế nếu thí sinh muốn dự tuyển vào trường quân đội thì trên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT phải để nguyện vọng vào các trường quân đội ở nguyện vọng 1.
17 - 19/7 sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, tiết lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có 75% nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu và có 25% thuộc mức vận dụng, vận dụng cao.
"Như vậy chỉ học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 thì thí sinh có thể đạt 75% điểm số của bài thi", ông Chương cho biết.
Ông Chương cũng cho biết Bộ sẽ cố gắng để trong khoảng từ 17 đến 19/7 sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT để có thời gian thuận lợi nhất cho công tác tuyển sinh.