Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và xin ý kiến góp ý rộng rãi. Trong đó có điểm đáng chú ý Lịch sử là môn thi bắt buộc.
Theo đó, từ năm 2025, môn thi, hình thức thi sẽ tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thí sinh học chương trình chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Nói về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT, em Minh Anh, học sinh Trường THPT Khoa học Giáo dục, Hà Nội đồng tình: "Em thấy môn học này rất hay, giúp chúng em hiểu rõ về lịch sử đất nước. Việc học và thi là điều dễ hiểu".
Em Nguyễn Thị Lương, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Chúc Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bày tỏ: "Em nghĩ môn thi Lịch sử nên trở thành môn thi bắt buộc vì học sinh cần biết được truyền thống của dân tộc. Bản thân em cũng yêu thích môn học này".
Chia sẻ với PV, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học Hệ thống giáo dục Học mãi nêu ý kiến: "Tôi không quá bất ngờ. Với cấu trúc chương trình học GDPT hiện nay, thi 6 môn như vậy là phù hợp vì học gì thi nấy".
Trước câu hỏi băn khoăn của nhiều người về việc các môn thi bắt buộc đang thiên về khối C, D, thầy Ngọc cho hay: "Tôi không nghĩ vậy, hiện nay các trường có nhiều phương thức xét tuyển, đa dạng về hình thức, tổ hợp thi chứ không chỉ theo tổ hợp truyền thống. Vì vậy, với các môn thi theo dự thảo của Bộ thì kế hoạch học, cơ hội xét tuyển không đổi".
Em Cao Thị Ngọc, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Chúc Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đồng tình với phương án 4 môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tuy nhiên, Ngọc cho hay việc học môn Lịch sử ở lớp hiện vẫn chưa được hấp dẫn, mang tính học thuộc, đọc chép nhiều.
Cô giáo Nguyễn Thị Lĩnh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nêu quan điểm, Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc từ năm 2025 là cần thiết bởi vì "dân ta phải biết sử ta". Cô Lĩnh cũng cho rằng, trước đây, Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn, chỉ có học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội mới thi nghĩa là các em có lợi thế mới chọn. Nhưng khi trở thành môn bắt buộc, 100% học sinh phải thi, là điều kiện để tốt nghiệp sẽ khó khăn hơn đối với những em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Do đó, cần thay đổi phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá lẫn thi cử.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội nói rằng, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10, đến năm 2025, Bộ GDĐT đưa môn Lịch sử vào kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết, phù hợp. Điều cần làm là giáo viên bộ môn phải thay đổi phương pháp dạy đề học sinh tự học, không nên đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều.
Thầy Nguyễn Tài Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Sơn 1, Thanh Hóa cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Học sinh vừa được làm quen với Chương trình GDPT 2018, vì vậy phương pháp học, thực hành còn nhiều bỡ ngỡ. Ngoài ra, khi đưa môn học này trở thành môn thi bắt buộc cần có thời gian để nâng cao nhận thức của các em cũng như tầm quan trọng của môn học. Từ đó chất lượng nghiên cứu cũng như thi cử sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.