Đây là thông tin được Tổ chức An sinh - Xã hội Việt Nam cung cấp tại Lễ Phát động cuộc thi viết "Những cống hiến thầm lặng" năm 2023 vào chiều ngày 20/3.
Ban tổ chức cho biết đây là năm thứ 3 Báo Kinh tế & Đô thị (KTĐT), phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức cuộc thi.
Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” đã góp phần cải thiện cuộc sống của các nhóm yếu thế. Thông qua cuộc thi, nhiều vấn đề như: Quyền nhân quyền của công nhân lao động nữ, người khuyết tật và cộng đồng dân tộc thiểu số; vấn đề BHXH; BHYT; vấn đề tiền lương, phúc lợi của lao động... đã được truyền tải tới bạn đọc cả nước.
Cuộc thi năm nay hướng tới mục tiêu giúp người sử dụng lao động và cộng đồng quan tâm, chăm lo và có những đãi ngộ tốt hơn cho lực cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ khuyết tật, lao động nữ nhập cư ở thị trường lao động phi chính thức. Đồng thời phát hiện và tôn vinh những sáng kiến, đóng góp thầm lặng của các cá nhân, tập thể trong việc đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đối với người sử dụng lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm.
Phát biểu tại sự kiện, Nhà báo Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Khác với các mùa thi trước, năm nay Ban Tổ chức dự kiến tổ chức thêm 4 cuộc ‘Cà phê sáng’ ở Hà Nội, 1 chuyến đi thực tế tại khu công nghiệp, 1 tọa đàm chuyên môn ở TP.HCM và 1 nghiên cứu cùng chủ đề để trao đổi với báo chí về các vấn đề bức thiết liên quan đến nhà ở xã hội của công nhân nhập cư. Cuộc thi sẽ tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh, thu hút được đông đảo người viết chuyên và không chuyên với những tác phẩm có chất lượng chuyên môn cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ, phản ánh một cách sâu sắc, khách quan sinh động, thực tế đa dạng mà chủ đề cuộc thi hướng tới”.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 200 triệu đồng, cuộc thi cũng khuyến khích các bài dự thi bàn về nội dung chính sách an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm cho lao động nữ ở cả lĩnh vực chính thức và phi chính thức; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến chỗ ở, sinh kế của người lao động.
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong 3 quý đầu của năm 2022, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Tuy nhiên, thiếu quỹ đất, bố trí nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi từ nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, thủ tục đầu tư còn rườm rà… là những nguyên nhân mà đến nay, cả nước mới hoàn thành 7.790.000 m2 sàn nhà ở xã hội, đạt khoảng 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Cùng với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, thiên tai khó lường, nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao do số lượng công nhân tăng theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gần 8.000 góp ý điều chỉnh cho Luật Đất đai (sửa đổi) gần đây đã cho thấy người dân, đặc biệt là các công nhân khu công nghiệp, cần chính phủ nghiêm túc quan tâm đến câu chuyện đời sống an sinh xã hội an toàn và bền vững.
Mặc dù vậy, cho đến nay ở Việt Nam chưa hề có quy định về nhà ở an toàn cho người lao động, đặc biệt là lao động trên các công trường xây dựng những công trình khó khăn như nhà máy thuỷ điện, đê điều, các công trình ở đầu nguồn hoặc hải đảo. BTC cuộc thi kết hợp với các bên liên quan hợp tác nghiên cứu thêm về vấn đề này và tổ chức chia sẻ thông tin với báo chí vào tháng 6 năm nay, trong khuôn khổ chương trình hợp tác 3 năm 2023-2025 cũng được ký chiều nay giữa Báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức AFV-ActionAid nhằm đóng góp thêm nhiều chiều cạnh thông tin cho báo chí về chủ đề nhà ở an toàn cho công nhân lao động.
Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 đề cập tới nhiều chủ đề như: chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội cho lao động nữ cả ở lĩnh vực chính thức và phi chính thức. Đặc biệt, trong khuôn khổ mùa 2, BTC đã tổ chức thành công 2 tọa đàm chuyên môn: “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” và “Quyền làm việc cho người khuyết tật: Từ chính sách đến thực tiễn”. Sau 2 năm tổ chức, Ban tổ chức đã trao 67 giải cho các tác giả là đơn vị, cá nhân từ hơn 50 đơn vị tỉnh, thành trên khắp cả nước, với tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 300 triệu đồng.