Trong công cuộc phạt Tống lừng danh của Thái úy Lý Thường Kiệt nhằm bẻ gãy ý định xâm lược của nhà Tống vào Đại Việt ngay từ trong trứng nước, triều đình Đại Việt đã quyết định hành động theo chủ trương và kế sách của Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công toàn diện, phủ đầu, chớp nhoáng vào đất Tống.
Mục tiêu của cuộc tấn công này là triệt hạ ba thành Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu (thuộc Quảng Tây ngày nay). Đây là những điểm tập trung lương thảo, quân mã, binh khí, căn cứ chiến lược hậu cần, vật chất và nhân lực của quân Tống đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt.
Đập tan ba căn cứ này cũng là đập tan ý chí xâm lược đồng thời làm suy yếu tiềm lực quân sự của nước Tống. Vấn đề đặt ra là, để đảm bảo thắng lợi, rất cần phải có những tướng lĩnh thạo chinh chiến, quả cảm, quyết đoán và đặc biệt tinh nhuệ khi hành binh vào đất địch.
Binh pháp đương thời luôn dạy rằng việc hành binh vào đất địch là tối kỵ, việc đánh thành càng tối kỵ. Vậy mà quân đội nhà Lý phải thực hiện hai nhiệm vụ vô cùng khó khăn là vào đất địch phá thành.
Với viễn kiến quân sự kiệt xuất của mình, khi được vua giao trọng trách tổng chỉ huy toàn quân Bắc phạt với quân số trên 10 vạn bao gồm cả thủy binh, tượng binh, kỵ binh và bộ binh, Lý Thường Kiệt đã giao trọng trách cho những tướng giỏi nhất-những tù trưởng nơi biên giới với tinh thần tự tôn dân tộc quật cường, dũng cảm, hành quân vào đất giặc tiêu diệt chúng.
Tông Đản là một trong những tù trưởng nổi tiếng, người dân tộc Nùng. Ông là danh tướng có công lớn trong chiến dịch tấn công vào Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm cuối năm 1075.
Một trong những vị tướng kiệt xuất trong chiến dịch phạt Tống là Tông Đản, danh tướng thời nhà Lý và là trợ thủ đắc lực của Thái úy Lý Thường Kiệt.
Cuối năm 1075, đại binh của triều Lý do Lý Thường Kiệt thống suất đã tiến đánh nhà Tống, tiêu diệt ba căn cứ quân sự của nhà Tống ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm.
Đây là cuộc tấn công hết sức táo bạo, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến nhưng nguy hại lớn đối với vận mệnh quốc gia. Châu Ung, Châu Khâm và Châu Khiêm lại ở cách biệt nhau, cho nên vai trò độc lập tác chiến trong chiến dịch này là rất quan trọng.
Lý Thường Kiệt đã tin cậy giao phó nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Châu Ung cho Tông Đản, còn đánh vào Châu Khảm và Châu Liêm thì do đích thân Lý Thường Kiệt đảm trách.
Tông Đản đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin cậy, ủy thác của chủ tướng Lý Thường Kiệt và của quân dân Đại Việt lúc bấy giờ.
Sử liệu về Tông Đản không ghi chép nhiều về toàn bộ sự nghiệp lớn của ông, trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 3, tờ 37) có viết: “Tông Đản vây Châu Ung hơn bốn mươi ngày đêm. Quan giữ chức tri châu của Châu Ung là Tô Giám cứ đóng cửa thành để cố thủ. Tông Đản sai quan quân xếp từng bao đất sát theo chân thành để tạo ra những bậc thang mà leo lên. Thành liền bị hạ. Tô Giám bắt ba mươi sáu người nhà của hắn chết trước nhà rồi đem xác vùi xuống hố. Xong, hắn nhảy vào lửa mà tự tử”.
Nhận được mệnh lệnh thống suất bộ binh gồm phần lớn quân các châu động biên giới phía Bắc với quân số lên tới 6 vạn bao gồm các tù trưởng thạo chinh chiến hành binh tiến đánh Ung Châu, Tông Đản đã nhanh chóng họp các tướng, hoạch định kế sách tiến công.
Với tài năng và uy tín của ông, đội quân bộ đã chủ động tác chiến ngay từ những ngày đầu tiên tiến chiến trại Cổ Vạn-một tiền đồn của thành Ung Châu. Trại Cổ Vạn bị hạ ngay trong ngày 27 tháng 10 năm 1075. Đây cũng là đòn thử khả năng tác chiến của quân binh Tống để Tông Đản bày trận nhử địch ra khỏi thành Ung Châu.
Quả đúng như vậy, các tướng lĩnh Tống trong thành Ung Châu do không nhận diện được hết tình hình đã mắc mưu Tông Đản, điều quân từ trong thành tăng cường xuống các trạm đồn trú nơi biên giới. Điều này vừa làm suy yếu thực lực phòng thủ thành Ung Châu, vừa là sự khinh suất của các tướng Tống.
Thấy rõ thời cơ đó, Tông Đản cùng các tướng lĩnh mệnh lệnh cho các đạo quân bộ binh đồng loạt tiến công chớp nhoáng trên toàn tuyến biên giới. Các trại Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Thái Bình, Tây Bình của nhà Tống đều nhanh chóng bị đánh chiếm.
Quân Tống bị thiệt hại nặng nề. Các trại đồn trú đồng thời là những tấm lá chắn cho thành Ung Châu bị xé toang. Tông Đản hạ lệnh cho các đội quân tiến thẳng về thành Ung Châu. Kế sách điều chủ lực của địch ra khỏi thành trì để tiêu diệt là một cao kế của Tông Đản. Thực hiện thắng lợi sách lược này giúp cho đại quân của Lý Thường Kiệt vừa có thời gian hành binh, vừa được bộ binh của Tông Đản nghi binh, đánh lạc hướng. Đây là một trong những điểm sáng chói của danh tướng Tông Đản.
(Còn nữa)