Ngày 21/3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, sẽ tham mưu Sở NNPTNT tỉnh Bình Định về kiến nghị, kiểm điểm trách nhiệm của chủ rừng trong việc chậm báo cáo vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép tại xã Canh Liên (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) thuộc địa phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh.
"Họ ngang nhiên đưa máy vào cưa xẻ cây, đây là trách nhiệm thiếu quản lý của chủ rừng. Trong Luật Lâm nghiệp quy định và có chế tài rất rõ, người nào mang công cụ không được phép vào rừng cũng đã bị lập biên bản rồi. Đằng này lại cưa xẻ khai thác, như vậy trách nhiệm của chủ rừng khi không phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu, không báo cáo lực lượng kiểm lâm kịp thời", ông Sáu khẳng định.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, việc khai thác rừng trái phép còn rất mới, thậm chí nhiều cây còn lá, vết nhựa tại hiện trường.
Trước hết, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, người đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, Chủ tịch UBND xã Canh Liên…
"Chốt chặn của Ban Quản rừng phòng hộ cách hiện trường vụ khai thác khoảng 5km. Đây là hành vi khai thác rừng trái phép, theo dự đoán ban đầu, người dân khai thác cây có giá trị để lấy gỗ về làm nhà, hòm. Việc người dân vào rừng khai thác gỗ là thường xuyên và không thể tránh khỏi, bởi địa bàn rộng, lực lượng thì mỏng. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình khai thác rừng hạn chế rất nhiều so với trước đây", ông Sáu nhận định.
Theo ghi nhận hiện trường về tình trạng cưa hạ rừng phòng hộ trái phép xảy ra trên địa phận huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) - thuộc khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh quản lý cho thấy, lâm tặc ngang nhiên cưa xẻ gốc cây cổ thụ ngay trong rừng, tạo thành từng đoạn và những tấm ván gỗ để di chuyển ra khỏi hiện trường.
Dấu vết để lại cho thấy các đối tượng cưa hạ rừng rất ngang nhiên, lâm tặc sử dụng máy cưa xăng để tiến hành phá rừng. Sau khi hạ gốc, lâm tặc tiến hành cắt khúc, bắt đầu xẻ thành nhiều phần vừa sức kéo để đưa đến bãi tập kết.
Báo cáo của Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Vân Canh Nguyễn Thanh Hải, cho thấy, tổng số cây bị khai thác trái pháp luật là 15 cây, đều quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Tuy nhiên, số cây lấy được gỗ ra khỏi hiện trường 6 cây, đường kính từ 25cm đến 50cm, số còn lại cây nhỏ hoặc rỗng ruột.
Những cây này đều được khai thác vào khoảng tháng 3/2023, chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh.
Trong đó, tại lô 8, khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên có 10 cây bị khai thác với đường kính gốc từ 15cm đến 50cm, chủng loại ké nhóm V, Sổ nhóm VII; tại lô 5, khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên có 3 cây bị khai thác, đường kính gốc từ 36cm đến 42cm, chủng loại ké nhóm V; tại lô 12, khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên có 2 cây bị khai thác, đường kính gốc 35cm và 38cm; chủng loại trâm nhóm V.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh cho biết, Tổ công tác chưa xác định được cụ thể khối lượng lâm sản đã bị khai thác trái pháp luật. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra cũng chưa xác định được đối tượng khai thác, phương tiện, dụng cụ khai thác số gỗ nói trên.