"Khó tin" cổ thụ bị cưa hạ "trắng trợn" giữa rừng phòng hộ ở Bình Định
"Khó tin" cổ thụ bị cưa hạ "trắng trợn" giữa rừng phòng hộ ở Bình Định
Dũ Tuấn
Thứ ba, ngày 21/03/2023 10:03 AM (GMT+7)
Hàng loạt gốc cây cổ thụ nằm trong khu vực rừng phòng hộ ở huyện Vân Canh nơi giáp ranh với huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) bị lâm tặc cưa hạ “không thương tiếc”. Mặc dù, lãnh đạo huyện kiên quyết khẳng định, kế hoạch chỉ đạo giữ rừng được triển khai rất “sát sao, cụ thể”, thế nhưng đáng tiếc... "rừng vẫn bị mất".
Sáng 21/3, trao đổi với Dân Việt, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, cá nhân ông cùng lực lượng chức năng đã đến hiện trường để kiểm tra vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép tại xã Canh Liên (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) thuộc địa phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh.
Ghi nhận hiện trường của phóng viên về tình trạng khai thác rừng phòng hộ trái phép xảy ra trên địa phận huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) - thuộc khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh quản lý cho thấy, lâm tặc ngang nhiên cưa xẻ gốc cây cổ thụ ngay trong rừng, tạo thành từng đoạn và những tấm ván gỗ để di chuyển ra khỏi hiện trường.
Trong đó, nhiều cây rừng cổ thụ đường kính rất lớn, giữ vai trò rất quan trọng đối với sinh thái trong quần thể rừng phòng hộ, nếu mất đi những cây cổ thụ này thì giá trị của rừng sẽ nghèo dần, suy giảm.
Clip "khó tin" cổ thụ bị cưa hạ "trắng trợn" giữa rừng phòng hộ ở Bình Định.
Tại hiện trường, dấu vết để lại cho thấy các đối tượng cưa hạ rừng rất ngang nhiên, lâm tặc sử dụng máy cưa xăng để tiến hành phá rừng. Sau khi hạ gốc, lâm tặc tiến hành cắt khúc, bắt đầu xẻ thành nhiều phần vừa sức kéo để đưa đến bãi tập kết.
Lợi dụng độ dốc, suối nước và trời mưa, các đối tượng dùng dây thừng kéo từng tấm gỗ ra khỏi rừng.
Trong khi khối lượng lớn gỗ đã được mang ra khỏi rừng, số còn lại vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất.
Tại vùng rừng phòng hộ giáp ranh các xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) và xã Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định), thời gian qua nhiều gốc cây rừng phòng hộ liên tục bị cưa hạ, vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đã đi sâu vào khu rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh.
Khu vực này, có rất nhiều dấu vết, khu lán trại do lâm tặc để lại với nhiều đồ vật, như: nồi, xoong, quần áo, can nhựa đựng nhiên liệu máy cưa...
Nhiều cây rừng cổ thụ đường kính lớn bị "tàn sát". Quan sát tại hiện trường, những cây rừng bị cưa hạ trong khoảng 1 tháng trở lại đây.
Từ đoạn rừng ở suối Cố lên đến Đá Trãi, có hơn 10 cây rừng tự nhiên bị cưa hạ, đường kính từ 30cm đến gần 1m, thậm chí có cây rừng có gốc 2 đến 3 người ôm không xuể. Tại suối Chuối (nhánh của suối Cố), có 5 cây rừng cổ thụ khác bị cưa hạ trơ cội, nhựa vẫn còn tứa ra, ngọn lá vẫn còn tươi.
Chỉ đạo rất "sát sao, cụ thể"… nhưng rừng vẫn mất?
Thừa nhận các vị trí có cây rừng bị tàn phá thuộc rừng phòng hộ do đơn vị mình quản lý, một cán bộ kiểm lâm phụ trách ở Trạm Ban Quản lý rừng phòng hộ Làng Cam cho biết, trước đó đã đi kiểm tra nhưng chỉ phát hiện 4 gốc cây rừng bị phá, tại Tiểu khu 36 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh quản lý).
Thế nhưng, khi chúng tôi cung cấp các thông tin ghi nhận tại hiện trường về quy mô, số cây rừng bị phá lớn hơn so với báo cáo, thì vị cán bộ kiểm lâm địa bàn này cho biết, sẽ báo cáo lại với lãnh đạo để thành lập đoàn kiểm tra lại hiện trường, mới xác định số lượng, quy mô để có hình thức xử lý.
Theo một số nhân viên ở Trạm Ban Quản lý rừng phòng hộ Làng Cam, hiện chế độ họ rất thấp, rừng giáp ranh rất phức tạp. Ngoài ra, lâm tặc dùng chiêu trò thường xuyên đe dọa, thậm chí dọa giết, tấn công... khiến tinh thần làm việc người giữ rừng bị "bất an, lo sợ".
Trao đổi với Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (Bình Định) Phan Văn Cường thừa nhận, có tình trạng phá rừng xảy ra ở khu vực làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) thuộc địa phận quản lý Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh và một số khu vực giáp ranh với làng Cam (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn).
"Từ trước Tết chúng tôi đã chỉ đạo rất sát sao, yêu cầu có kế hoạch cụ thể, truy quét, giữ rừng bình yên. Thực ra một số cây bị cưa hạ là do tập tục của bà con là người đồng bào dân tộc có ma chay, thì họ muốn có cây làm hòm. Việc khai thác không phải mới, lãnh đạo huyện đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm địa bàn… điều tra vụ việc, để có hướng xử lý", ông Cường nói.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vân Canh, hiện nay đang cho "bóc tách" một số diện tích người dân đang sản xuất, nằm trong địa phận rừng phòng hộ để trình UBND tỉnh Bình Định quan tâm, có hướng giải quyết.
Bởi, khi giao rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, có một số diện tích từ nhiều năm trước người dân đã làm rẫy, bao phủ trong rừng phòng hộ. Từ đó đến nay, họ vẫn canh tác, ngoài ra có một số diện tích bị lấn chiếm, trồng keo... nhùng nhằng, chưa có hướng xử lý cụ thể.
"Tôi đã chỉ đạo phía kiểm lâm báo cáo gấp về tình trạng phá rừng này", ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.