Dân Việt

Kể chuyện làng: Lá sầu đâu, nỗi nhớ nhung quê nhà

Lê Thị Minh Vân 22/03/2023 08:04 GMT+7
Một ngày cuối Xuân, con trai tôi nổi rôm đầy người. Mẹ tôi ở quê gửi lên một túi vải đầy ắp lá sầu đâu cho cháu tắm. Khi đun nồi nước tắm cho con, mùi hương thoang thoảng của lá khiến tôi nhung nhớ biết bao hồi ức về quê nhà.
Kể chuyện làng: Lá sầu đâu, nỗi nhớ nhung quê nhà - Ảnh 1.

Lá sầu đâu. Ảnh: tác giả cung cấp

Tôi biết cây sầu đâu từ khi còn là một đứa trẻ. Trẻ con thôn quê khi đó hay bị ghẻ và rôm sảy. Mẹ tôi thường hái lá sầu đâu nấu nước tắm cho chị em tôi. Ấn tượng nhớ nhất của tôi về loại lá này là mỗi khi mẹ xối nước từ trên đầu xuống lỡ mà nuốt phải thì vị đắng lan vào cuống họng tương tự như uống paracetamol vậy. Ám ảnh tuổi thơ khiến tôi rất sợ loại lá này mãi cho đến khi theo chân bà ngoại đi ăn giỗ ở An Giang, thưởng thức món gỏi lá sầu đâu, bản thân đã đi từ ngạc nhiên này đến thích thú khác.

Cây sầu đâu còn có tên gọi khác là cây xoan. Tuy nhiên, khác biệt hoàn toàn với cây xoan ở miền Bắc vốn có hoa màu tím, lá độc không ăn được thì sầu đâu ở miền Nam với lá xanh hoa trắng là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Theo lời mẹ tôi kể thì lá sầu đâu dẫu có vị đắng nhưng là một vị thuốc tốt trong Đông y, góp phần hỗ trợ, khắc phục những chứng bệnh hay gặp ở người lớn tuổi như giúp thông tiểu, thanh nhiệt, ngủ ngon, trị đau nhức khớp, cao huyết áp, kể cả bệnh da liễu.

Với nhiều người miền Tây quê tôi thì sầu đâu là "lộc trời cho". Cũng bởi, cây sầu đâu không cần người chăm sóc, cứ tự sinh trưởng, đơm hoa kết trái. Những ngày đầu Xuân ở quê tôi cũng là thời điểm cây sầu đâu bắt đầu thay lá và ra hoa. Nhiều người dân trong làng tôi thường hái lá sầu đâu, bao gồm đọt non lẫn nụ hoa để ăn và bán. Có lẽ do biết sầu đâu là "của trời cho" nên mọi người trong làng tôi cứ thoải mái bẻ hết đợt lá này, đến đợt lá khác mà cây vẫn xanh tươi. Ông tôi khi còn sinh thời thường hay đùa rằng: "Làm người phải hào phóng như sầu đâu. Cứ ung dung ra lá cho đời thêm xanh. Đừng so bì, tị nạnh mà thêm mỏi lòng mệt dạ". Đó cũng là lý do mà từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ tiếp nối vòng quay cuộc sống mà sầu đâu vẫn vững vàng ban tặng đặc sản cho con người.

Không chỉ là một cây thuốc quý giá, sầu đâu còn có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Một trong những món tôi rất yêu thích từ cây sầu đâu chính là món gỏi trộn. Đây cũng là món tủ của mẹ tôi mỗi khi đàn con mè nheo đòi ăn món mới. Cũng như những món gỏi khác, sầu đâu, xoài chua và khô cá. Những chiếc lá sầu đâu khi mới ăn vào sẽ có vị đắng ngắt nhưng nhấm nháp kỹ sẽ để lại hậu ngọt nơi đầu lưỡi. Những ai thích thử cảm giác đắng sẽ thấy ghiền với món gỏi này.

Kể chuyện làng: Lá sầu đâu, nỗi nhớ nhung quê nhà - Ảnh 2.

Gỏi sầu đâu. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông ngoại tôi, vốn là một người rất mê gỏi sầu đâu, thường ôn tồn bảo: "Càng nhấm nháp món ăn này, nhiều người càng thấu hiểu triết lý "ngậm đắng nuốt cay" của người xưa thật chí lý các con à". Đã thế, thi thoảng thưởng thức món ăn này, lại được ngồi ở bên một bờ sông, nhìn chiều trôi chầm chậm, tiếng ghe máy tì tạch, để mà "ngậm đắng nuốt cay", càng đúng phong vị miền Tây hơn.

Thông thường, trước khi chuẩn bị món ăn này, mẹ tôi sẽ nhặt những lá non của sầu đâu đem rửa sạch. Để cẩn thận hơn, mẹ sẽ cho lá vào nồi chần với nước sôi cho bớt vị đắng. Các nguyên liệu khác cũng được mẹ chế biến thật đơn giản. Thịt ba chỉ được mẹ tôi rửa sạch, luộc chín và thái sợi; tôm tươi luộc chín bóc bỏ vỏ.

Ngoài ra, việc lựa chọn dưa leo tươi non để có độ giòn và ngọt cũng là một điều cực kỳ quan trọng. Nhà tôi có trồng cả một khu vườn dưa leo tươi non mơn mởn nên mỗi khi mẹ cần làm gỏi, mấy chị em tôi lại tíu tít tranh nhau đi hái.

Dưa sau khi đem vào nhà, chị tôi sẽ rửa sạch, mang đi bào bỏ một phần vỏ theo kiểu sọc dưa, sau đó lại cẩn thận dùng dao bào thật mỏng theo khoanh tròn. Cùng với dưa leo, để món ăn thêm đậm đà, mẹ tôi sẽ chuẩn bị thêm nửa trái thơm xắt lát mỏng hoặc có thể băm nhỏ, để dành trộn kèm với rau răm và ít húng quế.

Tuy nhiên, điều tinh túy nhất trong món gỏi sầu đâu có lẽ là các loại khô. Khô dùng để trộn gỏi, theo mẹ tôi, nên là loại cá lóc đồng, được phơi từ 2-3 nắng. Nhiều gia đình ở quê tôi thường chọn cách chiên do dễ thực hiện nhưng sẽ làm giảm đi hương thơm đặc trưng của cá phơi khô.

Kể chuyện làng: Lá sầu đâu, nỗi nhớ nhung quê nhà - Ảnh 3.

Cây sầu đâu. Ảnh: tác giả cung cấp

Chắc cũng vì lẽ đó nên mẹ tôi vẫn chọn cách truyền thống là nướng khô trên lửa than. Khô sau khi nướng, để nguội, loại bỏ xương rồi xé nhỏ thành từng miếng. Công đoạn cuối cùng là trộn tất cả các nguyên liệu trên lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt lên trên, xóc lại thật đều cho thấm gia vị là được.

Ngoài ra, việc pha nước chấm sao cho phù hợp cũng là công đoạn mất nhiều thời gian cho món gỏi này. Nước mắm me là loại nước chấm mẹ tôi hay chọn cho món này. Nhìn chung, cách chế biến món nước chấm này khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Đầu tiên, mẹ cho một ít me vào nồi, đổ thêm chút nước đun sôi nhẹ sau đó giã rồi lọc lấy nước. Nước me được trộn vào nước mắm nhĩ, hòa thêm ít đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa nhưng rõ từng vị chua, cay, mặn, ngọt.

Những buổi trưa nhàn tản chốn đồng quê, cả gia đình tôi lại quây quần bên mâm cơm. Tôi thường khẽ khàng gắp một miếng gỏi lá sầu đâu chấm vào nước mắm me, nhai chầm chậm. Rồi ngỡ ngàng, thích thú vì vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me chín hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, len xuống tận cổ… Gỏi sầu đâu ngoài việc thưởng thức trong các bữa cơm, có thể ăn kèm với bánh phồng tôm chiên. Đây còn là món mồi nhắm khoái khẩu của đấng mày râu ở quê tôi trong những dịp rảnh rỗi.

Ai đó thường bảo: Nam Bộ quê tôi có nhiều món gỏi lắm, món nào cũng đủ vị: mặn, ngọt, chua, cay, nên người ăn dễ thích mà cũng dễ quên. Nhưng với món gỏi sầu đâu hoà lẫn giữa vị đắng và cảm giác tươi mát, chua ngọt lại hoàn toàn khác. Hơn cả một món ăn, gỏi sầu đâu còn gợi lên biết bao nỗi nhớ quay quắt về những tháng ngày ấu thơ ở quê nhà.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.