Lực lượng kiểm lâm tỉnh thời điểm này đang rất bận!
Vừa qua, Báo điện tử Dân Việt có đăng tải loạt bài về tình trạng phá rừng rồi vận chuyển gỗ về xuôi qua đường bưu chính. Sau khi xem các phóng sự ông có đánh giá thế nào?
Ông Đặng Văn Châu: Trước hết, chúng tôi rất cám ơn Báo Dân Việt đã nắm bắt và đưa thông tin kịp thời, góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Lai Châu được tốt hơn.
Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã nghiên cứu và giao ngay cho lực lượng kiểm lâm. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ và Kiểm lâm địa bàn vào cuộc xác minh thông tin mà báo đã nêu ra, kịp thời có giải pháp để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, kiên quyết xử lý những vi phạm theo những thông tin mà báo đã nêu.
Trước khi Báo điện tử Dân Việt phản ánh, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những biện pháp, hoặc là giải pháp nào để tăng cường công tác bảo vệ rừng?
Ông Đặng Văn Châu: Công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Lai Châu được triển khai thường xuyên và quyết liệt. Lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Lai Châu được tổ chức rất đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Chúng tôi cũng đã triển khai rất quyết liệt, công tác phòng cháy chữa cháy rừng, công tác tuần tra kiểm soát rừng, rồi xử lý những vi phạm về xâm hại rừng và vận chuyển trái phép lâm sản, xử lý cả những cơ sở chế biến gỗ nếu mà không đảm bảo quy định. Đặc biệt là chúng tôi cũng có kế hoạch thường xuyên để kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, để làm sao mà hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng và khai thác gỗ lậu.
Lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn trong thời điểm này cũng rất là bận, vì phải tăng cường đi xuống cơ sở, rồi tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, vì đang là mùa khô, bà con cũng đang trong giai đoạn phát nương, làm rẫy.
Việc đốt nương cũng đã có hướng dẫn rất kỹ, nhưng mà thời điểm này gió cũng hay quật, nguy cơ cháy rất cao. Vì thế nên lực lượng Kiểm lâm phải thường xuyên bám sát địa bàn.
Đặc biệt là vấn đề quản lý bảo vệ, trong những năm qua, chúng tôi đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát diện tích rừng và những hành vi khai thác rừng trái pháp luật.
Trước đây, có một số điểm khai thác gỗ nghiến mà một số báo cũng đưa lên, bà con vào rừng khai thác gỗ nghiến và có một số đầu nậu thu mua. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã cương quyết vào cuộc và xử lý dứt điểm, vì thế tình trạng khai thác gỗ quý hiện nay cũng đã rất hạn chế.
Tổng hòa trách nhiệm!
Sau khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh và cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, vậy quá trình kiểm tra hiện tại đang được tiến hành đến đâu?
Ông Đặng Văn Châu: Sau khi đi kiểm tra, phối hợp với huyện và các lực lượng khác kiểm tra thông tin mà báo chí phản ánh, có một số thông tin chúng tôi đã khẳng định được, còn một số nội dung hiện nay cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra.
Sau khi kiểm tra và ban đầu đã xác định được một số thông tin, vậy theo ông để xảy ra tình trạng phá rừng và vận chuyển, buôn bán gỗ quý trái phép thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị nào?
Ông Đặng Văn Châu: Đó là tổng hòa trách nhiệm, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng ở đây là của toàn thể hệ thống chính trị. Trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm, là lực lượng tham mưu cho các cấp chính quyền, là nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phải tham mưu làm sao để chúng ta làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.
Việc bảo vệ rừng không phải chỉ có khai thác chế biến gỗ, mà kể cả vấn đề xâm phạm rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vận chuyển buôn bán trái phép, cháy rừng. Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt mà nòng cốt thì các anh biết rồi, mỗi xã có một kiểm lâm địa bàn, thậm chí một kiểm lâm phụ trách 2 xã.
Quan trọng nhất vẫn là chính quyền địa phương, bà con tham gia bảo vệ rừng và lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm phải kích hoạt được việc đó, phải báo cáo các cấp ủy chính quyền chỉ đạo tốt việc đó.
Tất nhiên, thời gian vừa rồi, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu cũng thực hiện tốt, diện tích che phủ rừng tăng hàng năm. Tuy vẫn còn một vài việc chưa được tốt lắm, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục củng cố việc bảo vệ rừng để làm sao hạn chế thấp nhất vấn đề vi phạm rừng.
Chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính để tăng cường công tác bảo vệ. Qua phản ánh của báo chí cũng là cơ sở để chúng tôi tăng cường hơn, huy động lực lượng vào các điểm nóng để làm sao hạn chế thấp nhất.
Trong quá trình điều tra của nhóm phóng viên, một số đối tượng mua bán họ nói là có sự "tiếp tay" hoặc là "làm luật" của cơ quan chức năng địa phương, thì ông đánh giá thế nào về thông tin này, nếu có thì sẽ xử lý như nào?
Ông Đặng Văn Châu: Về vấn đề này ở trong ngành chúng tôi đã quán triệt rất kỹ với anh em làm công tác chuyên môn, lực lượng Kiêm lâm nghiêm cấm mọi hành vi bao che, rồi đứng đằng sau các vụ đó. Có hiện tượng như thế chúng tôi xử lý cán bộ ngay. Hiện nay có hay không thì chúng tôi cũng chưa có thông tin chính xác, sau này khi lực lượng chức năng phát hiện ra chúng tôi sẽ có thông tin chính thức.
Buôn bán rồi vận chuyển gỗ quý qua chuyển phát nhanh, gửi qua công ty bưu chính, với vai trò là một người đứng đầu ngành nông nghiệp của tỉnh, ông có đánh giá như thế nào về hành vi đó, nó gây ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản lý bảo vệ rừng?
Ông Đặng Văn Châu: Việc vận chuyển qua đường bưu chính, đề nghị các công ty bưu chính, các cơ quan quản lý về bưu chính thực hiện đúng các quy định về vận chuyển lâm sản, tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện thì đề nghị xử lý nghiêm.
Với ngành Lâm nghiệp thì Bộ cũng đã có thông tư hướng dẫn, kể cả Bộ TT&TT cũng đã có thông tư hướng dẫn, quy trình, hồ sơ thủ tục sao cho đảm bảo. Nếu vi phạm thì đương nhiên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Hiện tượng quay vòng hồ sơ là chúng tôi thấy có"
Để buôn bán được số gỗ này thì họ phải tàng trữ, phải khai thác và mỗi cá nhân mà phóng viên tiếp cận thì đều có một bộ hồ sơ trúng đấu giá lâm sản. Trong đó có thông tin họ đã quay vòng và buôn bán rất nhiều năm. Vậy theo ông, liệu pháp luật đang có những kẽ hở nào để họ lợi dụng và thực hiện hành vi vi phạm như vậy?
Ông Đặng Văn Châu: Hiện tượng quay vòng hồ sơ là chúng tôi thấy có, còn số lượng có thể lợi dụng để quay vòng thì cũng chưa thể khẳng định được. Không có số liệu đấy, vì họ cũng thực hiện kê khai đầu đi, đầu mua, cũng rất là cụ thể. Trước đây chúng ta thực hiện theo Thông tư số 27 về vận chuyển, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Tôi thấy ông cũng rất trăn trở trong công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương, vậy theo ông thời gian tới có giải pháp nào để công tác quản lý bảo vệ rừng được tốt nhất và người dân sống gần rừng có thể sống dựa vào rừng?
Ông Đặng Văn Châu: Việc bảo vệ rừng và phát triển rừng là chủ chương của Đảng và Nhà nước. Ở tỉnh Lai Châu có cả một cái đề án về lãnh đạo tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh triển khai đề án đó, có mục tiêu, có nhiệm vụ, có giải pháp.
Tăng cường hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương các cấp trong công tác bảo vệ phát triển rừng, làm sao để rừng Lai Châu luôn luôn phát triển cả về độ che phủ rừng và chất lượng rừng. Hạn chế thấp nhất các hành vi, vi phạm về lâm nghiệp.
Chúng tôi cũng rất trăn trở tìm cách gì để người dân sống được với rừng. Hiện nay đã có chính sách của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ bà con phát triển rừng, trồng rừng. Hỗ trợ trồng các cây lâm sản dưới tán rừng. Hiện nay Lai Châu cũng có chủ trương là phát triển các cây dược liệu dưới tán rừng.
Ví dụ như cây sâm Lai Châu là cây rất là tốt, có giá trị dược liệu quý. Tỉnh cũng có chủ trương khuyến khích bà con sống gần rừng trồng cây sâm. Phấn đấu làm sao cây sâm sẽ trở thành cây chủ lực của quốc gia. Khi cây sâm thành công thì tôi nghĩ là kinh tế của bà con sống quanh rừng sẽ tốt hơn.
Bảo vệ rừng tốt hơn vì nếu không bảo vệ rừng thì không có tán rừng, mà không có tán rừng thì không trồng được sâm. Khi mà bà con đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng thì các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rừng chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Không có gì bằng dân cả, dân đã vào cuộc thì mọi thứ sẽ tốt lên.
Đối với hành vi vận chuyển gỗ quý trái phép và buôn bán gỗ quý trái phép, ngoài trên địa bàn Lai Châu thì họ còn nhập ở các tỉnh khác, vậy ông có giải pháp gì chấm dứt hoặc là hạn chế tình trạng đó hay không?
Ông Đặng Văn Châu: Về giải pháp không phải bây giờ chúng tôi mới làm, tăng cường hơn công tác tuần tra, kiểm soát, tin báo của nhân dân trong vấn đề các đối tượng vi phạm. Hai là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chế biến, làm sao hạn chế thấp nhất vấn đề vi phạm đó. Tôi nghĩ, qua việc cơ quan báo chí vào cuộc việc này sẽ tiến bộ hơn rất nhiều.
Vừa rồi chúng tôi đã vào cuộc rất mạnh, các đồng chí kiểm tra thoải mái, thực ra là trên địa bàn tỉnh cũng không có nhiều, một vài cái cơ sở đấy. Qua việc này chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hơn, để làm sao hạn chế thấp nhất và hai nữa là đã phát hiện thì phải xử lý quyết liệt.
Chúng tôi cũng rất mong báo sẽ hỗ trợ tỉnh trong công tác phản ánh, bảo vệ rừng.
Trân trọng cảm ơn ông!