Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, đơn vị này đang làm việc với các ngành chức năng để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quanh bến xe miền Đông mới, nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Được biết, bến xe Miền Đông mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, hiện nay rất nhiều các tuyến xe đã hoạt động đưa đón khách. Tuy nhiên, những dự án hạ tầng kết nối xung quanh bến xe chưa được hoàn thành. Điều này ảnh hưởng đến quá trình khai thác và đi lại của hành khách cũng như khiến giao thông quanh khu vực bị đình trệ.
Ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, ngụ quận 12) cho biết việc di chuyển ra bến xe miền Đông mới hiện nay vẫn còn rất khó khăn. "Nhà tôi ở quận 12, trước đây di chuyển ra bến xe miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh thì rất tiện lợi. Nhưng bây giờ di chuyển ra TP.Thủ Đức thì xa xôi và đường xá xung quanh chưa hoàn thiện nên tôi rất ngại đi", ông Thành cho hay.
Một số dự án giao thông chưa hoàn thiện được nêu ra như đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ bến xe miền Đông mới đến nút giao Xa lộ Hà Nội) do Ban quản lý dự án đầu tư khu vực TP.Thủ Đức làm chủ đầu tư.
Quy mô dự án 1.700m gồm 3 đoạn (đường D400, Hoàng Hữu Nam, đường số 13). Dự án khởi công ngày 5/6/2015, đến nay thi công khoảng 40% khối lượng. Tuy nhiên, đang tạm ngưng thi công do chưa có mặt bằng.
Đối với dự án này, UBND TP.Thủ Đức đang trình Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định lại giá đất để tính bồi thường. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
Dự án đường A8, phường Long Bình, quy mô xây dựng đường giao thông khu vực chiều dài tuyến 621m, mặt cắt ngang 12m, bao gồm hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng.
Sở GTVT cho biết, hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức đang triển khai đo vẽ bản đồ hiện trạng vị trí từng hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án. Theo kế hoạch, dự án cũng hoàn thành năm 2024.
Khi đường A8 chưa hoàn thành, Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - Samco (chủ đầu tư bến xe miền Đông mới) đã dành một phần đường của tuyến đường E3 trong phạm vi bến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP.Thủ Đức và phường Bình Thắng, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, về phía 2 công trình cầu vượt trước bến xe miền Đông mới, các đơn vị mới thi công xong cầu số 3 và đường chui nhánh phải. Những hạng mục như cầu số 4, cầu bộ hành và đường chui 2 bên… chưa thi công do chưa được bàn giao mặt bằng trên địa bàn TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM những dự án giao thông quanh bến xe miền Đông mới gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, vướng mắc nhất khiến các dự án chậm tiến độ hoặc chưa kịp triển khai vì liên quan đến việc xác định đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chính vì vậy, chưa xác định được thời điểm bàn giao mặt bằng. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nếu có mặt bằng, đơn vị thi công sẽ hoàn thành trong vòng 12 tháng.
Liên quan đến vụ việc trên, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời báo cáo UBND Thành phố về những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp để thành phố xem xét nếu vượt quá thẩm quyền giải quyết.
Trước đó, trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM đánh giá công suất hoạt động tại khu vực bến xe miền Đông mới chưa đạt sản lượng như kỳ vọng (chưa đạt 50%) nguyên nhân là vì hạ tầng giao thông xung quanh khu vực bến xe chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn (metro) chưa kết nối với bến xe, chưa thuận lợi cho xe khách ra vào bến và kết nối với cao tốc.