Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiết lộ, đơn vị đang tìm những giải pháp như đứng ra bảo lãnh để DN nhỏ và vừa được vay vốn; tổ chức tập huấn giúp DN chuyển đổi số; giới thiệu những nguồn vốn vay hiệu quả, uy tín cho DN…
Theo đánh giá của Tổ chức tài chính Quốc tế IFC (thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, mặc dù DN vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 50% việc làm, 30% thu ngân sách nhà nước, nhưng các DN này còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, với khoảng 62% tổng nhu cầu vốn chưa được đáp ứng.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Quản lý Chương trình phát triển phát triển cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam và Campuchia (Nhóm tư vấn các định chế tài chính thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC) nhận định, tỷ lệ dư nợ tín dụng có tài sản bảo đảm là động sản (thường là khoản phải thu và hàng hóa) ở Việt Nam chỉ khoảng 30%, rất thấp so với nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Hơn 70% còn lại là khoản vay có bảo đảm bằng bất động sản.
"Phải biết rằng, hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng đã được hình thành và hoạt động phổ biến ở nhiều nước phát triển hơn 20 năm qua nhưng vẫn chưa được chú trọng và tập trung phát triển ở thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, trong bối cảnh DN đang ngày càng khó khăn hơn thì cần có những sản phẩm cho vay cải tiến hơn, phải có khoản vay không cần bảo đảm tài sản mà là hàng hóa, dựa trên báo cáo tài chính, dòng luân chuyển của tiền mặt…", bà Thanh Huyền nhấn mạnh.
Theo bà Huyền, IFC vẫn khuyến nghị các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam hãy tận dụng tài sản là hàng hóa và các khoản phải thu của DN làm tài sản bảo đảm. Đó chính là cách ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền của DN và giảm thiểu rủi ro lớn nhất khi cho vay.
Trước đó, tại hội nghị bàn các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho SMEs hồi giữa tháng 3 và được kết nối hàng chục điểm cầu ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng chỉ đạo trong thời gian tới các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho các DN nhỏ và vừa.
"Ví dụ, các ngân hàng có thể cân nhắc cho phép cho vay thấu chi DN, áp dụng linh hoạt tài sản đảm bảo như cho phép thế chấp các khoản phải thu, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay… để hỗ trợ các DN này tốt hơn", ông Tú chỉ đạo.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho hay, có một thực tế là nhiều DN nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế cần phải có thời gian để sửa, bởi đa phần các DN này đều phát triển lên từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức tài chính… còn hạn chế. Do đó, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho DN nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ.
Cụ thể, người này kiến nghị, thay vì việc đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh.
Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (bằng văn bản cụ thể) về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của DN, phương án sản xuất, kinh doanh… để tránh rủi ro cho cán bộ tín dụng.
"Chẳng hạn, các ngân hàng thương mại có thể cho vay tín chấp nhưng mọi tài khoản phải mở ở nhà băng đó, các giao dịch mua, bán, thanh toán phải trả về thông qua ngân hàng. Đặc biệt, cần cân nhắc việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào thì Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu nhà băng đó phải tăng tỷ lệ cho vay DN nhỏ và vừa lên một mức cụ thể", vị này nói thêm.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) thì khuyến nghị các ban ngành nên giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ, giảm thời gian làm thủ tục hành chính để đồng hành với DN.
"Giai đoạn hiện nay, TP cần tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về đất đai, nhà xưởng để có sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng vay vốn. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều tiêu cực như hiện nay", ông Hòa nói.
Về mặt bằng lãi suất, Chủ tịch HUBA nhận định, lãi suất vay hầu hết đang trên 10%/năm, do vậy, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8- 8,5%/năm. Cùng với đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung, dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau. Điều này là các giải pháp thiết thực nhất cho các DN lúc này.
"Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ DN, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng"
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú