Vĩnh Phúc hiện có gần 20 cây di sản là các cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh, trong đó có cây gạo thọ qua 3 thế kỷ, cây lộc vừng 600 tuổi. Mỗi cây cổ thụ đều gắn với tên đất, tên làng, gắn với truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương.
Đứng trước nguy cơ bị tàn phá bởi thiên nhiên và con người, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của cây di sản; đồng thời, khơi dậy truyền thống bảo vệ cây xanh, giữ gìn môi trường và lưu giữ những nguồn gen quý hiếm, bảo tồn, phát triển sự đa dạng sinh học.
Cây lộc vừng có niên đại khoảng 600 năm, nằm trong khuôn viên di tích đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận là Cây di sản Việt Nam năm 2016.
Tương truyền, sau khi Trần Nguyên Hãn mất, nhân dân địa phương cảm phục tài đức của ông nên đã xây đền thờ và trồng 1 cây lộc vừngtrước cửa Tam Quan. Gần 600 năm qua, cây lộc vừng vẫn xanh tốt như minh chứng cho uy danh bất diệt và khí tiết của người anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn.
Cây lộc vừng mang thế "Cửu long khởi vũ" (9 con rồng cùng múa) được chứng nhận là Cây di sản Việt Nam bởi tuổi đời, dáng cây cũng như ý nghĩa lịch sử gắn với truyền thống văn hóa nhân dân xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 5/10/2022, cây đa nằm trong khuôn viên đình Hội Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Làng Hợp Thịnh ngày nay (làng cổ Ốc Trù xưa) trước đây có cả quần thể cây cổ thụ có tuổi đời từ 100-700 tuổi được tập trung ở 3 khu vực (chùa Động Lâm, đình Hội Thịnh, khu Cầu Mới), gồm cây trôi, cây gạo, cây cọ... cao hơn 70 m.
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, do biến đổi khí hậu và tác động của thiên nhiên, nên cây gạo và cây trôi đã bị sét đánh. Hiện còn tồn tại duy nhất trong quần thể các cây cổ thụ có cây đa hơn 100 năm tuổi nằm trong khuôn viên đình Hội Thịnh.
Gốc chính của cây cổ thụ nhiều người ôm không xuể
Ngoài ra, bộ rễ của cây đa cổ thụ cũng có độ cao 5-6 m, đường kính 20-70 cm.
Chính dáng vẻ cổ thụ, bề thế đã góp phần làm cho cảnh quan đình Hội Thịnh thêm uy nghiêm, cổ kính.
Có dịp ghé thăm 2 cây gạo cổ thụ mang tên Thần Nông, ở thôn Đông Dư, xã Cao Phong, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) chắc hẳn ai nấy phải trầm trồ bởi sự vĩ đại của 2 "cụ cây" này.
Với chiều cao lên đến 45 m, đường kính thân cây to hơn 3,5m, thân cây nhỏ 2,2m, cây gạo cổ thụ tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn, là nơi sinh hoạt vui chơi của người dân trong vùng. 2 cây gạo cổ thụ mang tên Thần Nông đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam năm 2016.
Qua hơn 3 thế kỷ, 2 cây gạo cổ thụ vẫn sừng sững vươn cao trước bao thăng trầm của thời gian.